11 tháng năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 715,55 tỷ USD Giá trị xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm trong tháng cuối năm 2024 Xuất nhập khẩu Việt Nam - Philippines lần đầu vượt 8 tỷ USD |
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt hơn 786 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 105 tỷ USD) so với năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước tính thặng dư hơn 23 tỷ USD. Đây là con số kim ngạch XNK kỷ lục từ trước đến nay.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 lần đầu tiên tiệm cận mốc 800 tỷ USD |
Bức tranh nhiều mảng màu sáng đẹp
Còn nhớ, cuối năm 2023, đầu năm 2024, đã có không ít nhận xét, đánh giá khá “ảm đạm” về tình hình XNK của Việt Nam bởi những biến động địa chính trị thế giới, biến động thị trường toàn cầu, nhiều cuộc chiến thương mại sẽ nổ ra, “sức khỏe” của doanh nghiệp trong nước chưa thật sự phục hồi, mạnh mẽ như trước đại dịch Covid-19...
Thế nhưng, thực tế hoàn toàn khác, nhìn lại năm 2024, có thể khẳng định: Bức tranh XNK có nhiều mảng màu sáng rất đáng mừng. Tổng kim ngạch XNK tiếp tục tăng trưởng vượt bậc, là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch XNK năm 2024 vượt 2,5 lần kế hoạch Chính phủ giao. Trong đó, kim ngạch XK đạt 404 tỷ USD, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam.
Trong tổng kim ngạch XK, nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác dẫn đầu với 71,7 tỷ USD; nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,7 tỷ USD; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt trên 52 tỷ USD; nhóm hàng dệt, may 36,7 tỷ USD; nhóm giày, dép 22,9 tỷ USD... Những con số đó cho thấy công nghiệp Việt Nam đã được phục hồi và có bước phát triển khả quan. Sản xuất trong nước đang trên đà tăng tốc.
Nhưng có lẽ, đối với ngành hàng nông, lâm, thủy sản, niềm vui được nhân lên nhiều lần, bởi đã tạo nên những kỳ tích mới: Tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023 (thặng dư thương mại đạt 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm 2023). “Át chủ bài” là gỗ và thủy sản đã lấy lại phong độ sau một thời gian sa sút.
Kim ngạch XK lâm sản cả năm 2024 ước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023. Trong đó, XK gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 16,3 tỷ USD. Giá trị xuất siêu của toàn ngành lâm nghiệp lên tới 14,4 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản đã mang về trên 10 tỷ USD (XK tôm 4 tỷ USD, tăng 16,7%; XK cá tra 2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2023”. Với sự trở lại của nhóm hàng thủy sản, ngành nông nghiệp đã đóng góp 2 nhóm hàng - gỗ và thủy sản - vào “Câu lạc bộ XK 10 tỷ USD” trong năm 2024.
Nhìn theo một góc độ khác, có một thực tế đang mang lại sự “phấn chấn” cho doanh nghiệp trong nước. Theo Cục Xuất nhập khẩu, XK khu vực kinh tế trong nước đang phục hồi rất tốt khi cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng. XK của các doanh nghiệp trong nước tăng khoảng 18,9%, trong khi XK của doanh nghiệp FDI tăng khoảng 12,1% (không kể dầu thô) so với năm 2023.
Điều đó cho thấy, “hết mưa, trời lại sáng”, sau nhiều năm khó khăn, tụt hậu, đặc biệt là những năm hậu Covid-19, “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong nước đang phục hồi tốt, dần mạnh lên, lấy lại “thế” và “lực” trên đường đua với doanh nghiệp FDI.
Việt Nam vẫn giữ vị thế là một trong những quốc giá xuất khẩu gạo |
Có doanh nhân ví von khá thú vị: Năm 2024, trong những “cuộc thi đấu” đầy cam go, đoàn “vận động viên” - doanh nghiệp Việt Nam đã mang về nhiều “tấm huy chương” quý giá, tạo sự “hứng khởi” cho cộng đồng doanh nghiệp bước sang năm 2025 tiếp tục chinh phục những “thành tích” mới, “đỉnh cao” mới, mang về những “tấm huy chương” mới.
Tiền đề chinh phục đỉnh cao 1.000 tỷ USD
Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định: Để có được những con số kim ngạch XK “sáng sủa” đó, các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế với thuế quan ưu đãi và tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại để thâm nhập sâu hơn, giữ vững vị thế tại các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, đa dạng sản phẩm XK, phản xạ nhanh trước những biến động, đặc biệt là những đòi hỏi của các thị trường khó tính... Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh XK hàng hóa sang các thị trường mới nổi và tập trung vào các nhóm hàng chủ lực như điện tử, nông sản, thủy sản, dệt may, gỗ... Trong năm 2024, kim ngạch XK tăng cao, lập nhiều kỷ lục mới đã giúp cho nhiều ngành sản xuất trong nước tăng trưởng khả quan.
Đáng chú ý, thị trường nông sản thời gian qua có chuyển biến tích cực, đặc biệt là giá nông sản tăng cao, cộng với quy mô xuất khẩu cũng tăng, nhà XK nông sản được lợi cả giá và lượng. Ngoài ra, hàng dệt may, đồ gỗ, thủy sản đều có kim ngạch XK tăng cao.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ rất lớn từ cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo, điều hành sát sao, hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, và sự chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng...
Các yếu tố đó đã “cộng hưởng” tạo nên “sức mạnh” XK của năm 2024. Đây cũng là tiền đề, là động lực để Việt Nam chinh phục đinh cao kim ngạch XNK 1.000 tỷ USD trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Năm 2024, cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD (năm 2023 chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch XK (có 7 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng NK đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch NK (có 5 mặt hàng NK trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%). |
Mục tiêu lớn trong năm 2025
Các chuyên gia kinh tế dự báo, với đà tăng của năm 2024, kim ngạch XNK của Việt Nam trong thời gian tới rất có thể sẽ chạm mốc 1.000 tỷ USD. Đây là con số có thể nằm ngoài kỳ vọng, nhưng với kim ngạch XK năm 2024 tăng cao, năm 2025 vẫn giữ tốc độ tăng 10 - 12%, cho thấy đó là điều khả thi.
Song, để vươn tới được mục tiêu đỉnh cao đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị:
Chính phủ cần có cơ chế, chính sách và điều chỉnh lại mục tiêu chiến lược cao hơn trước; cần tạo ra hạ tầng về thương mại trong điều kiện mới, nhất là hạ tầng số, hạ tầng xanh, tài chính xanh, nhân lực xanh.
Hệ thống ngân hàng thương mại phải nhập cuộc tích cực và hiệu quả hơn, để cung cấp nguồn tín dụng lâu dài, bền vững cho doanh nghiệp.
Chính phủ cũng cần có những chương trình quốc gia về xúc tiến XK xanh, nên có những quỹ hỗ trợ tạo điều kiện cho hạ tầng xanh, thương mại xanh, thương mại số, thương mại bền vững mạnh và nhiều hơn nữa...
Thực tế, tình hình XNK hàng hóa của Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đã và đang phục hồi. Dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ ở mức 3% trong năm 2025. Đây là những tín hiệu tốt cho XK hàng hóa của Việt Nam.
Xuất khẩu hàng dệt may - Một thế mạnh của Việt Nam |
Trên cơ sở những thành công của XK hàng hóa năm 2024, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch XK năm 2025 tăng 10-12% so với năm 2024. Đây là một mục tiêu lớn nhưng không vượt quá “tầm” của doanh nghiệp Việt Nam.
Còn đó những thách thức
Con đường đi tới đỉnh cao 1.000 tỷ USD không hoàn toàn xuôi thuận, trải toàn hoa hồng, mà rất cam go, còn đó rất nhiều cản ngại, thách thức đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vượt qua.
Phần lớn kim ngạch XK của Việt Nam do các doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng 70%), nhưng hoạt động XK của các doanh nghiệp FDI phụ thuộc phần lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều biến động khó dự đoán trước. Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Kim ngạch XK sang 4 khu vực thị trường Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU hiện vẫn chiếm tới gần 80% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Thực tế đó đặt ra câu hỏi: Việt Nam cần làm gì để đa dạng hóa thị trường, không bị động, bất ngờ khi các thị trường trọng điểm bị “nhiễm cúm mùa”?
Đáng chú ý, các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... có thể tiếp tục phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật, chịu áp lực lớn về điều tra phòng vệ thương mại, bán phá giá, gian lận xuất xứ. Cùng với đó, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... tiếp tục là các thách thức không dễ vượt qua với nhiều doanh nghiệp Việt Nam...
Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, sự chủ động linh hoạt thích ứng của doanh nghiệp, việc tận dụng những cơ hội mới của kinh tế thế giới cùng sự đổi mới điều hành XNK, đặc biệt là điều hành XK của Việt Nam, tin rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tăng tốc XK, tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024 đã qua, “lực” và “đà” đã có để doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2025. Hy vọng năm 2025, bức tranh XK của Việt Nam sẽ có thêm nhiều mảng màu sáng đẹp hơn nữa!
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), XK khu vực kinh tế trong nước đang phục hồi rất tốt khi cả khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng. XK của các doanh nghiệp trong nước tăng 18,9%, trong khi XK của doanh nghiệp FDI tăng 12,1% (không kể dầu thô) so với năm 2023. |