Bài liên quan |
Những "gam màu tươi sáng" hơn cho xuất khẩu da giày Việt Nam |
Xuất khẩu da giày năm 2024 có thể đạt 26 - 27 tỷ USD |
Ngành da giày Việt Nam đã tận dụng hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu, ghi nhận những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2023. Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2024, xuất khẩu giày dép và túi xách dự kiến đạt 26-27 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2023. Kết quả này khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba thế giới về sản xuất và thứ hai về xuất khẩu giày dép, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện nay, ngành da giày tập trung vào các thị trường chủ lực, chiếm 97,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Bắc Mỹ dẫn đầu với tỷ trọng xuất khẩu giày dép đạt 41,4% và túi xách 47%. Tiếp theo là EU với tỷ trọng 29,5% về giày dép và 25,4% về túi xách. Thị trường châu Á cũng chiếm một phần đáng kể, lần lượt 22,2% và 24,5% cho hai sản phẩm này. Đặc biệt, xuất khẩu sang 16 thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, và Canada chiếm tới 88,4% tổng kim ngạch toàn ngành.
Xuất khẩu da giày năm 2024 có thể đạt khoảng 27 tỷ USD. |
Mặc dù đạt được những thành tựu nổi bật, ngành da giày đang đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn mới mà các thị trường nhập khẩu lớn đặt ra. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso, nhấn mạnh rằng, tính bền vững trong sản xuất và trách nhiệm xã hội đang trở thành yêu cầu bắt buộc, đặc biệt từ các thị trường như EU. Từ quý II/2024, EU đã áp dụng các quy định về thiết kế sinh thái và yêu cầu minh bạch chuỗi cung ứng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất, ngay cả khi nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài.
Những thay đổi trong chính sách nhập khẩu này có tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp da giày Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi ký được hợp đồng sản xuất kéo dài đến giữa năm 2025. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của ngành.
Để tiếp tục tận dụng cơ hội từ các FTA, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu trong nước là yếu tố then chốt. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã đề xuất hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt phục vụ ngành da giày. Các khu vực này sẽ tập trung vào sản xuất các sản phẩm hỗ trợ như da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế giày… vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất tập trung.
Những bước đi chiến lược này sẽ không chỉ giúp ngành da giày Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế, hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả trong tương lai.