Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu, đạt trên 3 tỷ USD/năm. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.
Ảnh minh họa.
Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới
Việc đa dạng thị trường trong bối cảnh nào vẫn sẽ là hướng đi tích cực giúp Việt Nam mở rộng cơ hội cho nông sản. Đặc biệt, với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại đây là rất tiềm năng. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.
Có nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển như gia tăng dân số tiêu thụ cà phê ngoài gia đình, đô thị hóa nhanh chóng, tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử, tăng sở thích cà phê hòa tan, nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản và tăng tiêu thụ cà phê nhân ở các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Cơ cấu xuất khẩu cà phê của Việt Nam có sự thay đổi, giảm xuất khẩu cà phê nhân thô, đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan.
Ngọc Phi (tổng hợp)