Xu hướng việc làm khởi nghiệp tiềm năng ở Đông Nam Á

09:19 31/03/2021

Các vị trí liên quan đến kỹ thuật được đánh giá là khan hiếm người tài và nhận mức thù lao cao hơn đáng kể so với khối ngành phi kỹ thuật.

Trong vài năm trở lại đây, khu vực Đông Nam Á vốn là khu vực cung cấp nguồn nông sản đã có những đột phá nổi lên như một thị trường chính và trở thành nhà cung cấp giải pháp mạnh mẽ cho công nghệ thế giới. Mặc dù thung lũng Silicon vẫn được coi là cái nôi của các công ty công nghệ trị giá hàng tỷ đô la nhưng các quốc gia trong khu vực SEA cũng có những lợi thế riêng để vươn lên.

Các quốc gia như Singapore, Việt Nam và Indonesia đã ghi dấu ấn trong giới công nghệ và thậm chí thu hút phần lớn các công ty công nghệ toàn cầu đặt trụ sở tại đây. Trong báo cáo The Southeast Asia Tech Talent Compensation do Monk's Hill Ventures and Glints thực hiện đã đề cập đến các xu hướng mới trong xây dựng đội ngũ mới và thu hút tài năng khởi nghiệp. Theo đó, một tín hiệu đáng mừng cho thấy những “gã khổng lồ” công nghệ từ các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ở SEA và tạo cơ sở thúc đẩy tăng lương cho người dân bản địa.

Báo cáo nhấn mạnh rằng khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân tài tại các vị trí quản lý sản phẩm và kỹ thuật. Các công ty công nghệ của Hoa Kỳ và Trung Quốc tham gia vào khu vực này bao gồm TikTok, Tencent, Alibaba và Zoom có ​​khả năng trả mức giá cao hơn thị trường nhằm giành lấy các tài năng công nghệ. 

Bảng so sánh lương cơ bản các vị trí việc làm giữa Việt Nam và quốc gia khác trong khu vực
Bảng so sánh lương cơ bản các vị trí việc làm giữa Việt Nam và quốc gia khác trong khu vực. (Ảnh: The Southeast Asia Tech Talent Compensation) 

Trong số những vị trí cần nhân lực hiện nay, các công việc liên quan đến kỹ thuật được đánh giá là khan hiếm người tài và được trả mức thù lao cao hơn so với việc làm phi kỹ thuật. Theo báo cáo, các vai trò kỹ thuật sản phẩm, khoa học dữ liệu,... kiếm được nhiều hơn 54% so với các vai trò phi kỹ thuật như tiếp thị, vận hành kinh doanh và tài chính. Nhiều ý kiến còn cho rằng nếu xét riêng mức lương cơ bản thì ngành kỹ thuật cao hơn từ 1 đến 2 lần so với phi kỹ thuật. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho chênh lệch thu nhập giữa các ngành trong bối cảnh nhận được công nhận của quốc tế về tiềm năng tăng lương mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ.

TL