Xây dựng hình ảnh Sâm Ngọc Linh như một đại diện di sản văn hóa Tây Nguyên

09:12 24/11/2022

Phát biểu tại “Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa” ngày 23/11, bà Nguyễn Thị Duyên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum tự hào về quá trình xây dựng hình ảnh Sâm Ngọc Linh như một đại diện di sản văn hóa vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả Việt Nam nói chung.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum phát biểu tại  “Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa”.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum/ Nguồn ảnh Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp

Bà Duyên cho biết, khi Hàn Quốc phát triển cây sâm Hàn Quốc, không chỉ đơn thuần là thương mại mà còn là hình ảnh mang tính biểu tượng, đại diện văn hóa Hàn Quốc. Bài học lớn về giá trị thương mại và giá trị văn hóa ở câu chuyện sâm Hàn Quốc đáng để chúng ta học tập.

Do những tính chất đặc biệt vượt trội của cây Sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế so với sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ, cùng với thực trạng khai thác một cách triệt để của người dân, đến nay cây Sâm Ngọc Linh đã nằm trong danh mục sách đỏ của Việt Nam từ năm 1994. Vì vậy việc đưa cây Sâm Ngọc Linh chuyển thành sản phẩm Quốc bảo, đại diện như di sản, vật phẩm văn hóa là một việc nên làm.

Với những yếu tố tự nhiên, tập quán tìm kiếm, sản xuất của người dân bản địa đã tạo nên những nét đặc thù về tính chất, chất lượng của sản phẩm nơi đây. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã ban hành Quyết định 3235 Quyết định sở hữu trí tuệ ngày 16/8/2016 về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ ngọc linh, trong đó phía Kon Tum có 9 xã có Tu Mơ Rông và ở Quảng Nam gồm 7 xã thuộc huyện Nam Trà Mi.

“Cây Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn là sản phẩm quốc gia, do vậy phát triển Sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có tờ trình Thủ tướng về phê duyệt chương trình phát triển nông sản Việt Nam đến 2045. Xác định tầm quan trọng giữ gìn hình ảnh sản phẩm sâm mang tầm quốc tế và bảo vệ nguồn gốc bản địa một loại dược liệu quý của đất nước, công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum luôn đồng hành với Chính phủ và tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện các mục tiêu đặt ra”, bà Duyên cho biết. 

Cũng theo Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum, trước thực trạng Sâm Ngọc Linh tự nhiên có nguy cơ tuyệt diệt do nhu cầu sử dụng ngày một tăng lên, công ty luôn coi trọng việc áp dụng các tiến bộ kĩ thuật về giống, kĩ thuật canh tác được hỗ trợ từ các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ đến từ Viện Dược liệu quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế việc khai thác lớp mùn tự nhiên trong rừng ngày càng cạn kiệt để trồng sâm, công ty đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa quốc gia để tạo ra sản phẩm giá thể nhân tạo phù hợp với nhân giống và trồng Sâm Ngọc Linh, cũng như các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

“Việc tham gia thực hiện các dự án chương trình phát triển quốc gia Sâm Ngọc Linh cũng là một mục tiêu để công ty chúng tôi góp phần sức lực của chính mình với Chính phủ Việt Nam bảo tồn và phát triển bền vững một loại dược liệu quý, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho một bộ phận đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum góp phần xây dựng hình ảnh Sâm Ngọc Linh như một đại diện di sản văn hóa vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả Việt Nam nói chung”, bà Duyên tự hào chia sẻ.

Hoài Anh