Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, ngành xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đã đạt mức 1,5 tỷ USD. Mặc dù trong tháng 2, việc xuất khẩu sắt thép giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua, ước đạt 950 nghìn tấn, trị giá 678 triệu USD, giảm 18,1% về lượng và 17,6% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh, lên đến 19,3% về lượng và 12,6% về trị giá.
Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu thép, TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, ngành thép đã góp phần quan trọng vào việc duy trì sự xuất siêu của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của thương mại quốc tế. Đặc biệt, thị trường EU vẫn duy trì thặng dư thương mại, đóng góp tích cực từ các mặt hàng như thép.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2023, xuất khẩu sang thị trường EU đã phải đối mặt với hai rào cản lớn: Các biện pháp tự vệ và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Rào cản đầu tiên đến từ các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu, khi EU đã quy định các biện pháp mới hiệu lực từ ngày 01/7/2023, tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU đến 30/6/2024. Việt Nam cần duy trì tỷ trọng xuất khẩu dưới mức 3% tổng kim ngạch EU nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm, nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
Rào cản thứ hai là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hướng tới việc đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU, dựa trên khí thải carbon trong quy trình sản xuất nước sở tại. Cơ chế này hiện đang ở giai đoạn 1, khi các doanh nghiệp xuất khẩu phải khai báo mức phát thải. Tuy nhiên, trong tương lai, khi CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép của Việt Nam sẽ phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026, tăng chi phí và gặp khó khăn cạnh tranh nếu không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất. Theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lĩnh vực thép có thể giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm này kéo theo sự giảm sản lượng khoảng 0,8%, cùng với ảnh hưởng bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.
P.V (t/h)