Vụ việc gần 40 người nhập viện nghi do ngộ độc do ăn bánh mỳ tại TP Hồ Chí Minh đã khiến Bộ Y tế vào cuộc chỉ đạo điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm liên quan nhằm làm rõ nguyên nhân và ngăn ngừa những rủi ro tương tự. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, yêu cầu khẩn trương xác minh vụ việc, tập trung mọi nguồn lực điều trị cho bệnh nhân, đồng thời tổ chức điều tra theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi gây ngộ độc, lấy mẫu để xét nghiệm, xác định nguyên nhân. Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm bị nghi ngờ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm nếu có vi phạm, đồng thời công khai kết quả điều tra để kịp thời cảnh báo cộng đồng.
![]() |
Vụ 37 người nhập viện nghi ngộ độc do ăn bánh mỳ: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn |
Theo thông tin ban đầu từ Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, vụ việc xảy ra vào ngày 29/3, khi 37 người, trong đó có 33 học sinh Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh), nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mỳ. Nhóm học sinh này đi tham quan tại Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11) và mua bánh mì từ một cửa hàng tại Quận 6 mang theo. Trong số những bệnh nhân nhập viện, có 34 trẻ em (gồm 33 học sinh THCS và một bé 6 tuổi) cùng 3 người lớn. Bệnh viện Quận 11 là nơi tiếp nhận điều trị chính, với hai trường hợp được nhập viện nội trú khoa Nhi, trong khi những bệnh nhân còn lại được xử trí cấp cứu, kê đơn thuốc và theo dõi tại nhà. Các bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm được điều trị bằng kháng sinh, bù dịch và kiểm soát triệu chứng. Hiện cơ quan chức năng Quận 6 đã tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại cửa hàng cung cấp bánh mì để làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc.
Trước tình hình này, Bộ Y tế chỉ đạo tập trung điều tra và xử lý, yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể thực hiện nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm, đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến được nhấn mạnh nhằm ngăn ngừa các sự cố tương tự. Đồng thời, công tác tuyên truyền giáo dục cũng được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, khuyến cáo tránh sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác hay xuất xứ. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.