Trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập (doanhnghiephoinhap.vn) bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) cho biết, trước thông tin Bamboo đang dư thừa hàng trăm phi công và tiếp viên sau khi tái cơ cấu, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch sử dụng những nhân sự này phù hợp với nhu cầu.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, nhiều hãng hàng không của Việt Nam dù trong môi trường kinh doanh có cạnh tranh với nhau nhưng vẫn phải có sự hỗ trợ lẫn nhau vì sự phát triển chung của ngành.
"Trước nguồn lực dư thừa của hãng khác, VNA phải tìm cách tháo gỡ và dựa trên nhu cầu của mình để sử dụng phù hợp. Hiện nay chúng tôi đang triển khai kế hoạch của mình", ông Hà chia sẻ.
Dẫn chứng về việc các hãng hàng không trong nước hỗ trợ nhau cùng phát triển, ông Lê Hồng Hà cho biết, mới đây, Bamboo Airways đã đạt thỏa thuận hợp tác với Pacific Airlines - hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group trong việc phục vụ các dịch vụ mặt đất. Pacific Airlines sẽ phục vụ từ khâu check-in, bốc xếp hành lý, xe buýt chở khách trong sân đỗ, xe đẩy máy bay...
" Đã là doanh nghiệp thì phải hoạt động đảm bảo hiệu quả, còn mức độ hiệu quả đến đâu lại là câu chuyện khác. Pacific Airlines cũng là một hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và cũng đang phải tái cơ cấu mạnh mẽ kể cả về đội máy bay cũng như tổ chức hoạt động.
Pacific Airlines có bộ phận làm về phục vụ mặt đất tại 3 sân bay chính là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Khi Pacific Airlines tái cơ cấu thì cũng phải xử lý các hoạt động phục vụ mặt đất của mình tại các cảng hàng không đó. Bên cạnh đó, Bamboo lại có nhu cầu và đây là điều kiện để Pacific Airlines vừa hỗ trợ cho Bamboo ở các công tác phục vụ mặt đất vừa tạo công ăn việc làm cho chính cán bộ nhân viên của Pacific. Đây là quá trình hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và hết sức cần thiết", Tổng Giám đốc VNA nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho biết đến nay, hãng này chỉ còn 10 máy bay, gồm 7 máy bay Airbus và 3 máy bay Embraer. Hiện hãng cũng chỉ khai thác 16 đường bay nội địa so với thời kỳ đỉnh cao có lúc lên tới hơn 60 đường bay nội địa.
Do đó, Bamboo Airways cũng đang dư thừa rất nhiều lao động, cụ thể phi công dư cả trăm người, còn tiếp viên dư khoảng 500 người.
Trước bối cảnh dôi dư nguồn lao động, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết Vietjet đã nhận giúp hãng 50 tiếp viên và 20 phi công, còn Vietnam Airlines thì đang nghiên cứu. Bamboo Airways tiếp tục kêu gọi các hãng hàng không tích cực giúp hãng giải quyết lao động dôi dư.
Trong khi đó, CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho biết, nếu Bamboo Airways bị phá sản, các hãng hàng không Việt Nam khác sẽ khó khăn hơn trong các hoạt động thuê, mua máy bay, thu xếp tín dụng quốc tế do các quan ngại về rủi ro. Ngành hàng không Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu mất đi một hãng hàng không lớn thứ 3 ở Việt Nam, cũng là khách hàng lớn của nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tại các sân bay, như xăng dầu, suất ăn, phục vụ mặt đất…
Theo ông Nam, đề án tái cấu trúc của Bamboo Airways là đề án tái cấu trúc của một hãng hàng không với đội bay 30 tàu bay, hơn 60 đường bay nội địa và hơn 15 đường bay quốc tế. Đây là đợt tái cấu trúc ở quy mô lớn hơn hàng chục lần, với mạng đường bay lớn hơn nhiều so với các hãng hàng không trước đây.
"Đây là cuộc "đại giải phẫu" thay đổi toàn diện hàng không từ mô hình kinh doanh đến thị trường mục tiêu, đội máy bay. Các mảng hoạt động của Bamboo Airways cũng được điều chỉnh cho phù hợp với mô hình kinh doanh mới, đối tượng khách hàng mới. Về quản trị điều hành Bamboo Airways sẽ thay đổi toàn diện theo hướng gọn nhẹ, nhanh nhạy hơn", CEO Bamboo Airways chia sẻ.
Nghệ Nhân