Việt Nam trở thành “điểm nóng” đầu tư mạo hiểm mới nhất của Đông Nam Á hậu đại dịch

09:49 05/06/2021

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã và đang chứng kiến bước ngoặt lịch sử trong bối cảnh chuyển đổi từ đất nước kém năng động thứ hai khu vực trở thành quốc gia có tiềm năng đứng thứ ba trong số các nước ASEAN.

Bất chấp những khó khăn do COVID-19 mang lại, Việt Nam đang trở nên thu hút vốn hơn bao giờ hết. Những khó khăn của năm 2020 hầu như không thể ngăn cản hoạt động đầu tư mạo hiểm trong nước. Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Nextrans Hàn Quốc, tổng giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong quýI/ 2021 đạt hơn 100 triệu USD, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế. Nổi lên sau đại dịch trong khi các quốc gia khác vẫn đang trong cơn khủng hoảng mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam. Hệ sinh thái khởi nghiệp nước ta vươn lên mạnh mẽ từ vị chí áp chót vượt lên nhóm quốc gia tiềm năng top đầu trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Singapore. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Ngoài ra, hồ sơ các nhà đầu tư thực hiện giao dịch tại Việt Nam ngày càng đa dạng. Nếu như trong giai đoạn 2017-2018, phần lớn các thương vụ đến từ Singapore và Nhật Bản thì hiện nay thị trường vô cùng sôi động với sự tham gia của một số nhà đầu tư đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí cả châu Âu, Trung Đông và khu vực châu Phi (EMEA). Các nhà đầu tư trong nước cũng thể hiện tích cực khi tham gia vào khoảng 30% các giao dịch.

Một trong số các công ty khởi nghiệp Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế gần đây là Loship. Mới đây, startup giao hàng trong một giờ đã công bố khoản đầu tư mới nhất từ MetaPlanet Holdings. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của MetaPlanet tại Việt Nam, nằm trong chiến lược nắm bắt các cơ hội của thị trường mới nổi ở châu Á. Jann Tallinn, đồng sáng lập Skype, đối tác của MetaPlanet Holdings cho biết trong một tuyên bố: “MetaPlanet có kế hoạch quan tâm nhiều hơn đến các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á. Tôi rất vui khi có một khởi đầu mạnh mẽ tại Việt Nam thông qua đầu tư cho Loship, công ty đầu tiên mà chúng tôi có tại đây”. Bên cạnh đó, Loship cũng được hỗ trợ bởi nhiều nhà đầu tư quốc tế bao gồm Smilegate Investment (Hàn Quốc), Golden Gate Ventures, Vulpes Investment Management (Singapore), DAAL Ventures và Wealth Well (Saudi Arabia), Eucagi Ventures (Nigeria).

Đây là minh chứng tuyệt vời cho thấy ngày càng nhiều các nhà đầu tư mạo hiểm từ khu vực Trung Đông và châu Phi đang bắt đầu chuyển sự quan tâm và thực hiện các giao dịch tại Việt Nam. Bối cảnh khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá tràn đầy năng lượng và tiềm năng thay thế Indonesia trở thành điểm đến yêu thích tiếp theo của các nhà đầu tư nước ngoài. “Đã đến lúc các nhà đầu tư đặt chân vào thị trường Việt Nam”, bà Lê Hán Huệ Tâm, Tổng Giám đốc Nextrans Việt Nam khẳng định.

Các thương vụ đáng chú ý khác tại Việt Nam bao gồm khoản đầu tư 2,6 triệu USD do Công ty VC Jungle Ventures của Singapore dẫn đầu cho thương hiệu xe máy điện Dat Bike và vòng gọi vốn chuỗi D của MoMo với sự tham gia của Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Ngoài ra, Công ty khởi nghiệp thanh toán linh hoạt Nano của Việt Nam đã gây quỹ được 3 triệu USD do Golden Gate Ventures và Venturra Discovery dẫn đầu. Ứng dụng học tiếng Anh ELSA đã thu được khoản đầu tư trị giá 15 triệu USD trong các vòng tài trợ do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu.

Đằng sau sự bùng nổ

Dưới đây là một số yếu tố góp phần tạo nên thành công của hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam:

Ngăn chặn thành công COVID-19

Việt Nam chắc chắn đã thể hiện sức mạnh và sự ổn định trong việc chống chọi với “cơn bão” COVID-19, đưa ra ví dụ thành công về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch. Bất chấp thị trường toàn cầu ảm đạm, triển vọng phục hồi của Việt Nam tươi sáng khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại và người tiêu dùng tăng cường chi tiêu.

Tăng trưởng kinh tế bền vững

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với tốc độ chưa từng, tăng trưởng GDP dự báo 6,3% vào năm 2021 (theo KPMG). Ngoài ra, nền kinh tế chịu sự chi phối bởi nhóm dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ, coi nền kinh tế Internet di động như một chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày. Chưa kể, Việt Nam còn là nền kinh tế duy nhất trong ASEAN không được dự báo sẽ suy thoái trong năm nay.

Các sáng kiến ​​do chính phủ lãnh đạo

Những nỗ lực to lớn của chính phủ Việt Nam cũng đã đóng góp rất nhiều vào hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều biện pháp và nỗ lực kích thích do chính phủ hậu thuẫn đã được thiết lập nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Chẳng hạn như cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia vào tháng 6 năm 2020 hay Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU. Những nỗ lực này đã mở đường đáng kể cho dòng vốn đầu tư lớn hơn vào đất nước.

Tinh thần kinh doanh cao

Bên cạnh những xu hướng vĩ mô này, tinh thần kinh doanh của người Việt Nam rất đáng học hỏi, thể hiện mạnh mẽ và rõ nét hơn trong thời kỳ khủng hoảng. CEO Trung Hoàng Nguyên của Loship chia sẻ rằng, không thể tìm thấy tinh thần, động lực, nhiệt huyết của những người trẻ khởi nghiệp sôi nổi như tại Việt Nam và “người Việt Nam khao khát khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và dòng người từ nước ngoài trở về đang giúp nâng cao chất lượng của hệ sinh thái”.

Dự kiến trong 12 tháng tới, startup Việt sẽ thực hiện 117-200 thương vụ với các lĩnh vực “nóng” như fintech, thương mại điện tử và hậu cần. Phía nhà nước đặt mục tiêu có ít nhất 10 kỳ lân trong thập kỷ tới và trở thành một trung tâm khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á. Các startup Việt Nam có khả năng chứng minh mô hình kinh doanh, khai thác công nghệ kỹ thuật số, cung cấp các cơ hội và giải pháp phù hợp trong tương lai sẽ đạt vị trí tốt nhất làm lợi nhuận vững chắc và thu hút số lượng lớn hơn các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm trong tương lai.

TL