Bài liên quan |
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phản hồi về đề xuất thay đổi giờ làm việc |
“Sếp” bị phạt đến 5 triệu đồng nếu để nhân viên uống rượu, bia trong giờ làm việc |
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), người lao động trên toàn thế giới làm việc trung bình 43,9 giờ mỗi tuần, nhưng số giờ làm việc này có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia. Điều này phản ánh sự khác biệt trong các tiêu chuẩn văn hóa, cấu trúc kinh tế và chính sách lao động. Số liệu này được thu thập từ 108 trong tổng số 187 quốc gia thành viên ILO, dựa trên dữ liệu gần nhất trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023.
Theo định nghĩa của ILO, người lao động bao gồm những người làm việc hưởng lương tại một đơn vị sử dụng lao động, không tính những người làm nghề tự do. Tổ chức này cũng đưa ra cảnh báo rằng, làm việc trên 48 giờ mỗi tuần được coi là quá mức, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, an toàn lao động, năng suất và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có số giờ làm việc nhiều nhất thế giới |
Trong danh sách các quốc gia có số giờ làm việc dài nhất, Ấn Độ đứng đầu với mức trung bình 56 giờ mỗi tuần. Văn hóa làm việc tại quốc gia này từ lâu đã chịu nhiều chỉ trích vì số giờ làm việc kéo dài và áp lực cao, thậm chí có những mô tả về sự "độc hại" trong môi trường lao động.
Ông Narayana Murthy, nhà sáng lập công ty công nghệ Infosys, từng gây tranh cãi khi kêu gọi giới trẻ Ấn Độ làm việc tới 70 giờ mỗi tuần nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng. Tháng 9/2024, một kế toán 26 tuổi làm việc tại công ty Ernst & Young chi nhánh Ấn Độ đã tử vong vì làm việc quá sức, dẫn đến một cuộc điều tra toàn quốc về điều kiện lao động và làm gia tăng chỉ trích về văn hóa làm việc tại các doanh nghiệp ở nước này. Bên cạnh Ấn Độ, những quốc gia có số giờ làm việc dài nhất còn có Bhutan, Bangladesh và Cambodia, đều thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phản ánh sự tương đồng trong văn hóa lao động và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển.
Ở chiều ngược lại, các quốc gia có số giờ làm việc ít nhất chủ yếu nằm ở châu Âu, nơi nổi bật với các chính sách ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hà Lan đứng đầu danh sách này với chỉ 29,8 giờ làm việc mỗi tuần. Các chính sách lao động linh hoạt, hệ thống an sinh xã hội tốt và văn hóa đề cao năng suất thay vì thời gian lao động kéo dài đã giúp người lao động tại Hà Lan và nhiều quốc gia châu Âu khác duy trì hiệu quả làm việc mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Việt Nam nằm trong top 30 quốc gia có số giờ làm việc nhiều nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 20 với mức trung bình 45,3 giờ mỗi tuần. Dù chưa vượt ngưỡng 48 giờ mà ILO xem là quá mức, con số này vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Thực trạng này đặt ra câu hỏi về việc cải thiện chính sách lao động, làm thế nào để đảm bảo sức khỏe và năng suất cho người lao động, đồng thời hướng tới một môi trường làm việc bền vững và cân bằng hơn.