Sau hơn 10 năm đặt chân đến Việt Nam, từ một nhà máy hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Khu công nghiệp Quế Võ - tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo một doanh nghiệp Ấn Độ vừa quyết định mở thêm nhà máy thứ 4 tại Việt Nam (trong đó 3 nhà máy tại Bắc Ninh và 1 nhà máy tại tỉnh Hưng Yên), bất chấp dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nói về lý do liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư này cho biết: Không chỉ ổn định, môi trường đầu tư Việt Nam những năm gần đây còn có sự cải thiện tích cực cả về chỉ số điện năng, cơ sở hạ tầng giao thông, chính sách thu hút đầu tư và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực.
Năm 2010, khi đầu tư nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Quế Võ chính thức đi vào hoạt động, vị này cho biết: Để tìm kiểm được một lao động có kỹ năng mà lại biết ngoại ngữ tại Việt Nam là rất khó, vì thế khi đăng tin tuyển dụng, có người nói được tiếng Anh là tôi nhận luôn mà không quan tâm đến chuyên môn của họ là gì, nhưng sau 10 năm, hầu như tất cả các nhân viên Việt Nam trong nhà máy của tôi đều có thể nói được tiếng Anh và kỹ năng của họ cũng có sự thay đổi rất nhiều so với trước đây. Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng đưa đến quyết định mở rộng đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cũng thể hiện sự hài lòng về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, ông Kim Heung-Soo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết: Giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn Hàn Quốc, nhưng không hề thấp hơn so với các quốc gia lân cận hay khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, bên cạnh giá nhân công và chất lượng nguồn nhân lực thì các yếu tố như môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục cùng hệ thống thuế, thủ tục hành chính, hải quan được nâng cấp chính là yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm hiện tại (tháng 3/2021), Việt Nam có 33.294 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 393,3 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI là 236,96 tỷ USD, bằng 60% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 230 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 60,8 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực phân phối điện, nước với 33,6 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Đặc biệt, trong số các dự án FDI đầu tư tại Việt Nam có rất nhiều dự án lớn của các thương hiệu toàn cầu, điển hình như: Samsung, LG (Hàn Quốc); Toyota, Honda, Canon (Nhật Bản); Piagio (Italia); Bosch (Đức)…
Riêng 3 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt con số 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng thời điểm 2020. Đặc biệt, trong số những dự án đầu tư 3 tháng đầu năm, có rất nhiều dự án có số vốn đăng ký lên tới hàng tỷ USD. Điển hình là: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), có tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất đện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD…
PV.