Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, cũng như tạo cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, thương mại điện tử đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế khiến không ít đối tượng lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi.
Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, riêng trong năm 2024, Cục này đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu với quy mô và số lượng lớn các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, giầy dép… với hàng triệu đơn hàng đã bán. Đoàn kiểm tra đã tạm thu giữ 125.088 sản phẩm các loại bao gồm thực phẩm, mỹ phẩm…
![]() |
Vi phạm trên môi trường thương mại điện tử diễn biến phức tạp |
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Từ kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục; hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử, nhất là Luật Thương mại điện tử.
Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu trí tuệ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là trên môi trường số, thương mại điện tử, hoàn thiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố, quảng cáo sai sự thật.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập tổ công tác tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp; đồng thời, quyết liệt chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn.
Các bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo nhanh kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; báo cáo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổng kết thực hiện cao điểm.