Văn hóa doanh nghiệp là cách doanh nhân ứng xử với con người, với thiên nhiên và xã hội. Nó được ví như “linh hồn” của một tổ chức, ảnh hưởng đến cách mọi người tương tác với nhau, cách họ làm việc và cách họ đạt được mục tiêu.
![]() |
Công ty CP Xây dựng & Đầu tư phát triển Nông thôn Miền Tây tặng những suất ăn miễn phí tại bệnh viện |
Đối với một doanh nhân, bên cạnh những phẩm chất cần có như năng động, bản lĩnh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm thì những ứng xử với đồng nghiệp, với bạn hàng, với cấp dưới, nhân viên một cách đúng mực sẽ góp phần tạo nên văn hóa doanh nghiệp.
Công nghệ giúp doanh nghiệp đi nhanh, nhưng văn hóa mới giúp doanh nghiệp tiến xa
Trong kỷ nguyên mới, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp đi nhanh, nhưng chỉ có văn hóa mới giúp doanh nghiệp đi xa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải việc của riêng ai. Đó là hành trình của sự đồng lòng – giữa người lãnh đạo, người lao động và cả cộng đồng.
Trên thế giới, nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn có thể tồn tại và phát triển lớn mạnh trong nhiều thập niên và khi gặp khủng hoảng kinh tế thì những doanh nghiệp này vẫn có thể đứng dậy, vươn lên phát triển… bởi họ đã xây dựng được những giá trị văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, những thương hiệu trở thành nền tảng của doanh nghiệp và là biểu tượng của quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạng việc phát triển văn hóa nhằm tạo nên những giá trị cốt lõi, bền vững. Đồng thời, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và hỗ trợ cộng đồng.
Theo ông Đới Sĩ Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới thì con người phải đặt lên hàng đầu. Bởi trong thời đại mà máy móc có thể thay thế rất nhiều công việc, thì sự thấu cảm, lòng tin và tinh thần cộng tác là những giá trị không thể sao chép. Đặc biệt, sự linh hoạt và học hỏi liên tục là yêu cầu bắt buộc để phát triển văn hóa doanh nghiệp vì văn hóa không phải là điều bất biến. Kinh doanh là để sinh lời, nhưng văn hóa là để sinh tín. Một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng chính là một doanh nghiệp được xã hội nâng niu và bảo vệ.
![]() |
ông Đới Sĩ Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa mỗi doanh nghiệp là một hạt nhân lan tỏa những giá trị nhân văn, tử tế và tiến bộ. |
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Để phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp tiếp tục phát triển rộng rãi và thực chất, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội cần có cơ chế ghi nhận, vinh danh các doanh nghiệp có mô hình văn hóa tiêu biểu; tổ chức thêm các chương trình đối thoại, diễn đàn, hội thảo để doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau về xây dựng văn hóa nội bộ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng Bộ quy tắc văn hóa nội bộ phù hợp với đặc thù ngành nghề và bản sắc địa phương....
Văn hóa doanh nghiệp quyết định 50% thành công
Tổng Công ty Hợp Lực, tiền thân là một hợp tác xã vận tải nhỏ bé, hiện nay trở thành một tập đoàn đa ngành với gần 20 công ty thành viên nhờ dựa vào 3 giá trị cốt lõi là “Văn hóa doanh nghiệp - Đổi mới sáng tạo - Quản trị, quản lý”; trong đó, văn hóa doanh nghiệp quyết định 50% thành công của doanh nghiệp. Ngoài ra, Tổng Công ty Hợp Lực đặc biệt coi trọng tính sáng tạo, đổi mới, tiên phong trong hoạt động của doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp công ty duy trì vị thế tiên phong trong ngành mà còn tạo ra những giải pháp đột phá, tận dụng nhanh chóng các cơ hội và khắc phục hiệu quả các khó khăn, thách thức.
![]() |
Tổng ông ty CP Hợp Lực tặng quà, khám sức khỏe và cung cấp thuốc miễn phí cho học sinh nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa) |
Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hợp Lực chia sẻ: Tổng Công ty Hợp Lực luôn xác định tầm nhìn trở thành một trong 100 tập đoàn tư nhân lớn nhất cả nước, xây dựng Bệnh viện Hợp Lực là bệnh viện tư nhân số 1 trong nước và từng bước vươn tầm ra khu vực và thế giới. Từ tầm nhìn và những giá trị cốt lõi này, Tổng Công ty Hợp Lực đã động viên, khuyến khích, thúc đẩy nhân lực toàn công ty vận dụng triệt để khả năng sáng tạo, nhìn nhận, đánh giá những giá trị truyền thống vốn có để liên tục đổi mới, hoàn thiện chính mình và tập thể. Có thể khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong việc hình thành năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổng Công ty Hợp Lực.
Luôn coi văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của công ty, Hợp Lực thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ nhằm bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, nhân viên tự học, tự rèn luyện, học từ môi trường xung quanh, tạo văn hóa học tập, học để hiểu, học để làm, hướng đến sự hài lòng của khách hàng.
Nhìn nhận vai trò quan trọng hàng đầu của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp, ông Lương Trọng Thành - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã khái quát quá trình thành công của Tổng Công ty Hợp Lực là quá trình“Dám - Dấn - Dẫn”. Đó là quá trình dám khát vọng, là tinh thần dấn thân vì sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng, là quyết tâm dẫn đầu trong các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
“Phụng sự nhà nông – Kiến tạo tương lai”
Ở một góc nhìn khác, đại diện Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông, Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là nền tảng tinh thần của mỗi tổ chức, mà còn là giá trị cốt lõi góp phần xây dựng thương hiệu, giúp củng cố nội lực và tạo dựng niềm tin bền vững đối với đối tác, người lao động và cộng đồng xã hội.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần là việc hình thành những giá trị, niềm tin và chuẩn mực ứng xử trong nội bộ, mà còn là quá trình kiến tạo một hệ sinh thái tinh thần và đạo đức kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững trong quản trị doanh nghiệp; đồng thời tôn vinh và lan tỏa giá trị nhân văn, sự tử tế và tiến bộ trong doanh nghiệp.
![]() |
Công ty CP Tiến Nông hỗ trợ các hộ gia đình tỉnh Bắc Ninh xây nhà mới |
Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông khẳng định nhiều giá trị cốt lõi là “kim chỉ nam” trong hình thành văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị. Các bài tham luận, chia sẻ được truyền thông liên tục trong doanh nghiệp như: văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động của “gia đình Tiến Nông”, văn hóa doanh nghiệp trong trách nhiệm với cộng đồng, văn hóa doanh nghiệp trong công tác phụng sự khách hàng, văn hóa doanh nghiệp trong công tác an sinh xã hội.
Theo đó, với tầm nhìn là doanh nghiệp sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam, công ty đã xây dựng chiến lược phục vụ chuyên nghiệp các ngành hàng trọng điểm của nông nghiệp đất nước nhằm nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam và đưa giá trị nông sản Việt Nam vươn ra thế giới.
Doanh nghiệp Tiến Nông hướng tới mục tiêu phụng sự 200 nhà phân phối, 10.000 điểm bán lẻ và chăm sóc 1 triệu hộ nông dân diện tích lớn với niềm tin phát triển dựa trên sự trao quyền và tiếp nối truyền thống giữa các thế hệ. Mỗi thành viên trong công ty đều được phát huy hết khả năng để cống hiến và thành công, đóng góp cho doanh nghiệp và xã hội.
Khẩu hiệu “Phụng sự nhà nông – Kiến tạo tương lai”, đã trở thành biểu tượng của văn hóa phụng sự, đổi mới sáng tạo gắn với nông nghiệp bền vững của Công ty CP Công – Nông nghiệp Tiến Nông.
Tỉnh Thanh Hóa đang từng bước trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, logistics… và để đi xa hơn, chúng ta cần một thế hệ doanh nghiệp giỏi kinh doanh – giàu văn hóa – vững vàng hội nhập. Chúng ta cần khơi dậy tinh thần “người Thanh Hóa làm chủ tương lai Thanh Hóa”, trong đó, mỗi doanh nghiệp là một hạt nhân lan tỏa những giá trị nhân văn, tử tế và tiến bộ.