![]() |
Tỷ phú Wang Chuanfu mất 1,8 tỷ USD khi BYD đại hạ giá xe điện |
Ông Wang Chuanfu - đồng sáng lập kiêm CEO của “ông lớn” xe điện Trung Quốc BYD - đã chứng kiến khối tài sản cá nhân của mình bốc hơi 1,8 tỷ USD chỉ trong một ngày, sau khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với quyết định giảm giá tới 34% cho các mẫu xe điện phổ thông vốn đã có giá khá rẻ của hãng.
Theo ước tính của Forbes, dù vậy, ông Wang (hiện 59 tuổi) vẫn đang sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 28,3 tỷ USD, phần lớn đến từ cổ phần tại BYD. Tuy nhiên, cổ phiếu của BYD đã lao dốc mạnh hôm thứ Hai (26/5), giảm tới 9,2% tại sàn Hong Kong và 6,2% tại sàn Thâm Quyến.
Cú sụt giảm này diễn ra ngay sau thông báo mới đây của BYD về một loạt chương trình giảm giá mới. Trên trang web và các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc, hãng xe điện lớn nhất nước này cho biết sẽ giảm giá cho 22 mẫu xe điện thuần túy và xe lai sạc điện (plug-in hybrid) từ nay đến hết tháng 6.
Mẫu xe giảm giá sâu nhất là Seal 07 DM-i, một chiếc sedan lai có tích hợp tính năng hỗ trợ lái với mức giảm 53.000 Nhân dân tệ (khoảng 7.400 USD), tương đương 34%, xuống còn 102.800 Nhân dân tệ. Trong khi đó, mẫu Song Plus EV hiện được bán với giá 117.800 Nhân dân tệ, giảm hơn 20% sau đợt điều chỉnh.
Dù BYD không phải lần đầu tiên dùng chiến lược giảm giá để kích cầu, nhưng đợt giảm lần này khiến giới phân tích lo ngại về một cuộc chiến giá cả khốc liệt hơn trong ngành xe điện Trung Quốc. Giám đốc nghiên cứu tại DZT Research (Singapore) Ke Yan cho biết qua WeChat rằng: “Do cổ phiếu BYD đã tăng hơn 60% tại sàn Hong Kong từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lời sớm để tránh bị ảnh hưởng bởi đợt giảm giá này.”
Ông Yale Zhang - Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Automotive Foresight tại Thượng Hải nhận định BYD đang cố gắng thu hút nhóm khách hàng nhạy cảm về giá bằng cách tung ra các chương trình giảm giá quyết liệt hơn. Tháng 2 vừa qua, BYD cũng từng thử tăng sản lượng giao xe bằng cách bổ sung tính năng tự lái cho các mẫu xe có giá dưới 10.000 USD, nhưng chiến lược này có thể chưa đạt được kỳ vọng, ông nói.
Ông Zhang cũng lưu ý rằng, một vụ tai nạn liên quan đến xe điện của Xiaomi gần đây đã làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của phần mềm lái xe thông minh nói chung. Trong bối cảnh đó, giảm giá trực tiếp có thể là cách nhanh nhất để BYD đẩy mạnh doanh số tại thị trường nội địa. Mục tiêu giao hàng toàn cầu của hãng trong năm 2025 là 5,5 triệu xe.
Các chuyên gia cho rằng, trước động thái này của BYD, nhiều hãng xe khác có thể buộc phải làm theo. Trong phiên giao dịch thứ Hai (26/5), cổ phiếu của Geely Automobile giảm hơn 8% tại Hong Kong, còn Great Wall Motor cũng mất hơn 5%, khi giới đầu tư lo ngại về làn sóng cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành xe điện.
![]() |
Giảm giá trực tiếp được coi là cách nhanh nhất để BYD đẩy mạnh doanh số tại thị trường nội địa |
Theo Financial Times (FT), giới phân tích lo ngại "cuộc đua giá" có thể khiến nhiều hãng không đủ tài chính trụ vững, thậm chí phải bán xe dưới giá thành, gây áp lực lên chuỗi cung ứng và an toàn chất lượng.
Đây là điểm yếu chí mạng khi vụ tai nạn vừa qua của Xiaomi khiến niềm tin người tiêu dùng lung lay với xe điện.
Ngay cả hãng xe điện Great Wall Motors cũng cảnh báo tình trạng tương tự "Evergrande" (một ông lớn phá sản trong ngành bất động sản) khi lợi nhuận mỏng, cạnh tranh kéo dài dẫn đến gánh nặng nợ nần và cắt giảm chi phí bảo trì, an toàn. Từ đó gây ra thêm nhiều tai nạn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin, sụt giảm doanh số, tạo thành vòng tròn luẩn quẩn.
Báo cáo của Fitch Rating cho thấy thị trường xe điện dự kiến tăng trưởng 20% trong năm 2025, nhưng rủi ro về lợi nhuận cũng đi lên do mảng này đang tập trung vào tay một số ông lớn như BYD, Tesla, SAIC thay vì vô số những hãng theo sau.
Rõ ràng, đợt giảm giá kỷ lục của BYD phản ánh cả cơ hội lẫn thách thức trong ngành ô tô điện Trung Quốc khi vừa giúp BYD củng cố vị thế dẫn đầu, kích thích tiêu dùng, nhưng cũng tạo ra áp lực dìm giá xuống đáy, đe dọa bền vững lâu dài của thị trường.