Tung hoành trong ngành công nghiệp ô tô rồi bước sang lĩnh vực bất động sản
Ông Trần Bá Dương hiện tại đang đứng thứ 99 trong danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông cũng là một trong sáu vị tỷ phú Việt Nam có mặt trong danh sách tỷ phú trên thế giới, với giá trị tài sản lên đến 1.5 tỉ USD (1/8/2021).
Ông Dương sinh năm 1960 tại Thừa Thiên Huế. Ông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Ông Dương từng làm việc tại nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai (1983-1990), rồi làm Quản đốc xưởng sửa chữa – xí nghiệp cơ khí giao thông Đồng Nai (1991-1997). Ngày 29/4/1997, ông Dương quyết định thành lập Công ty TNHH ô tô Trường Hải, nay là Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco).
Dưới sự dìu dắt của ông, hơn hai thập kỷ qua, Thaco hiện có hơn 30 công ty thành viên và hơn 20.000 nhân viên trải dọc khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Sau khi đã làm mưa làm gió trong ngành ô tô, ông Dương chuyển hướng, quyết định thử sức trong mảng kinh doanh bất động sản.
Năm 2011, Công ty Cổ phần địa ốc Đại Quang Minh ra đời, với vốn điều lệ là 4.850 tỉ đồng. Ông Dương giữ vị trí Tổng Giám đốc.
Trong số các dự án mà Đại Quang Minh đang thực hiện có khu đô thị Sala, dự án bốn tuyến đường chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm (toàn dự án dài 11.9km, trong đó có 8 cây cầu và 2 cầu cạn).
Ngoài ra, ông còn mang tham vọng xây dựng dự án Quảng trường Trung tâm & Công viên Bờ sông (diện tích 27.39ha). Tiếp đó là dự án cầu Thủ Thiêm 2, dự án Vùng Châu thổ phía Nam (Lâm viên sinh thái – Quận 2, Tp. HCM).
Đáng chú ý, vào tháng 10/2019, ông Dương thông qua Đại Quang Minh sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar – dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai, đánh dấu sự chia tay của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đối với lĩnh vực bất động sản.
Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 7.400 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Dương còn sở hữu nhiều quỹ đất nhằm phát triển đô thị tại các khu vực trên cả nước, từ TPHCM, Quảng Nam đến Bến Tre và Đà Lạt.
Pha bẻ lái ngoại mục sang làm nông nghiệp với những cú bắt tay nghìn tỷ
Năm 2018, ông Trần Bá Dương đã bắt tay với ông Đoàn Nguyên Đức để cùng làm nông nghiệp.
Ông Dương thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi, sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Trường Hải (Thagrico).
Ngày 24/3/2019, Thagrico đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty HAGL Nông nghiệp (HNG), với mục đích phát triển cây ăn trái tại Việt Nam, Lào, Campuchia và thu mua một phần sản lượng trái cây của HNG để xuất khẩu và chế biến.
Thời gian sau, ông Dương đã mua lại bốn công ty của Bầu Đức, gồm Đông Dương, Đông Pênh, Trung Nguyên và Công ty TNHH MTV An Đông Mia.
Mới đây, Ban lãnh đạo HNG đã quyết định chuyển nhượng tiếp ba công ty con cho Thagrico, gồm Công ty TNHH MTV Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Công ty TNHH MTV Bò sữa Tây Nguyên và CTCP Hoàng Anh Đắk Lắk.
Như vậy, ông Dương đã thâu tóm bảy công ty con của bầu Đức.
Sau hơn 2 năm bắt tay hợp tác chiến lược giữa 2 đại gia THACO và HAGL, cuối cùng họ đã đi đến một điểm chung, một thống nhất mang tính đột phá sống còn là tái cấu trúc cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Sau nhiều năm thăng trầm với HAGL Agrico, bầu Đức đã chính thức "thoái vị", thôi nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT và "nhường ngôi" cho tỷ phú Trần Bá Dương.
Chiến lược mà tỷ phú Trần Bá Dương và Ban HĐQT mới đề ra trong ngắn hạn 2021 là tăng tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng và đạt sản lượng trái cây khoảng 154.000 tấn và hơn 11.000 tấn mủ cao su. Qua đó, doanh thu ước đạt 2.109 tỷ, trong đó thu từ trái cây 1.766 tỷ đồng.
Chia sẻ cơ duyên đến với HAGL Agrico tại đại hội, cổ đông HAGL Agrico dễn ra vào ngày 8/1, tỷ phú Trần Bá Dương cho biết, đó là câu chuyện trải qua hơn 2 năm và đọng lại những giá trị về nhân văn, giá trị về tình chia sẻ giúp đỡ sâu sắc. Đặc biệt là cùng nhau phát triển, giúp nhau vượt qua khó khăn và cùng hướng đến cái chung của đất nước. Mục tiêu làm sao để có được 1 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mang tầm khu vực, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.
Cách đây 2 năm, HAGL Agrico rơi vào cảnh "chìm trong nợ" với khoản nợ hơn 18.400 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, THACO được mời gọi là nhà đầu tư chiến lược giúp HAGL Agrico thực hiện tái cấu trúc tài chính. Đến cuối năm 2020, HAGL Agrico vẫn còn nợ ngân hàng 5.700 tỷ đồng và nợ THAGRICO gần 6.000 tỷ đồng… Tổng các khoản nợ lên tới 16.078 tỷ đồng. Đứng bên bờ vực phá sản khiến HAGL Agrico buộc phải thực hiện tái cấu trúc, tăng vốn điều lệ và bán 4 công ty con cho THACO. Qua đó, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương chiếm 63,08% cổ phần; HAGL Group 26,82% và các cổ đông khác là 10,1%.
Theo tỷ phú Trần Bá Dương, có một số cổ đông cũng bức xúc vì nhiều năm liền giá cổ phiếu rớt, không có cổ tức. Ông Dương cũng đứng ra giải thích và nhận nhiệm vụ đưa HAGL Agrico đi lên. Ông Dương cho rằng, HAGL Agrico và cổ đông phải cảm ơn bầu Đức vì đã tạo ra một quỹ đất hơn 84.000 ha và là người tiên phong làm cây ăn trái.
Qua câu chuyện về HAGL Agrico, tỷ phú Trần Bá Dương cũng trải lòng, chia sẻ về cuộc đời mình: "Tôi đã trải qua nhiều thách thức, thách thức lớn nhất là trước đây khi tôi là chủ 1 xưởng sửa chữa ô tô và Chu Lai là vùng đất rất nghèo. Tôi tập làm công nghiệp ô tô và đến nay cơ bản thành công. Vừa rồi chúng ta hội nhập khu vực Asean, thuế về bằng 0%, THACO ô tô vẫn trụ vững và chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam".
"Thách thức thứ 2 là năm 2012 khủng hoảng kinh tế nổ ra, thị trường bất động sản đóng băng. Tôi được mời gọi được đầu tư tại vùng đất Thủ Thiêm, khi đó là sình lầy, không có hạ tầng. Tôi đã quyết tâm làm và đến nay đã có 1 khu đô thị kiểu mẫu", tỷ phú Trần Bá Dương nói.
Tỷ phú Trần Bá Dương nhận định, HAGL Agrico chính là thách thức lớn thứ 3 trong cuộc đời mà ông cần vượt qua. "Với thách thức này, tôi tự tin có thể thay anh Đức lèo lái, quản lý và điều hành đưa HAGL Agrico trở thành doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn và chắc chắn thành công , vươn tầm khu vực và thế giới".
Tuy nhiên, ông Dương không khỏi đắn đo. Bởi, để làm nông nghiệp quy mô lớn đòi hỏi phải đầu tư bài bản, tổng thể, thậm chí rất chi tiết đến chuỗi giá trị từ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến và mở rộng thị trường. Đồng thời phải đào tạo lực lượng cho 84.000 ha là không dễ. Ông ví von rằng "cây ăn trái như con của đại gia" ỏng ẻo, rất dễ bệnh và phải nuông chiều chăm sóc… Do vậy đòi hỏi cần nhiều thời gian.
Gia Minh (T/h)