Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đạt hơn 76,10%

22:10 19/06/2022

Hiện có 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%.

Thông tin từ Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%.

Trong khi đó số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, tỷ lệ lấp đầy các KCN phía Bắc duy trì ở mức 80%; tuy nhiên, giá thuê đất và nhà xưởng không có biến động. Giá thuê đất công nghiệp trung bình đạt 109 USD/m2/chu kỳ thuê, giảm nhẹ so với quý trước, nhưng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đạt hơn 76,10%
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đạt hơn 76,10%.

Tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy các KCN ở mức 85%. Giá thuê trung bình là 120 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021) nhờ vào làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam sau khi Việt Nam tái mở cửa nền kinh tế và nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp hiện hữu.

Việc phát triển các KCN, khu kinh tế được coi là chính sách trọng điểm của Việt Nam, nhất là chủ trương kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế mở. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài liên tục đổi mới. Vậy nhưng có vấn đề nổi cộm là, không ít địa phương phát triển cụm công nghiệp ồ ạt, dàn trải, thiếu sự phối hợp, thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Diện tích đất phát triển cụm công nghiệp sử dụng nhiều vào diện tích đất lúa, trong khi chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội, cũng như khả năng, nhu cầu phát triển thực tế, dẫn đến tình trạng tỷ lệ lấp đầy không như mong muốn. Bên cạnh những KCN có tỷ lệ lấp đầy cao thì một số KCN cần phải cải thiện hơn nữa trong việc nâng tỷ lệ lấp. Chẳng hạn tại Ninh Thuận có KCN Du Long (huyện Thuận Bắc), KCN Phước Nam tỉ lệ lấp đầy rất thấp.

Trong đó, KCN Phước Nam có quy mô diện tích 370 ha thuộc địa bàn huyện Thuận Nam, được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập tại Quyết định số 3849/QĐ-UBND ngày 30/6/2008, do Công ty cổ phần đầu tư Phước Nam Ninh Thuận làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Khối lượng thi công ước đạt khoảng 30% so với quy mô dự án giai đoạn một với diện tích 153,47 ha/370ha. KCN chỉ thu hút được 11 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký hơn 206 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 17%.

Với KCN Du Long, có quy mô diện tích 407,28 ha thuộc địa bàn huyện Thuận Bắc, dự án do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng KCN Hoa Sen Du Long làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, với tổng mức đầu tư 2000 tỷ đồng. Tính đến nay đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 12%, kinh phí đầu tư thực hiện chỉ đạt 4%, tỷ lệ lấp đầy 0%.

Giới chuyên gia cho rằng các KCN lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN.

PV