Từng là một quốc gia với đầy triển vọng tăng trưởng, Myanmar gần như đi vào bế tắc bởi bất ổn chính trị

19:04 03/04/2021

Hai tháng sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào ngày 1 tháng 2, nền kinh tế của Myanmar gần như đi vào bế tắc với các hoạt động bán lẻ, thương mại đang trong tình trạng "đóng băng".

Một người đàn ông giơ ba ngón tay chào khi đi ngang qua những chiếc lốp xe đang bốc cháy trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Mandalay. © Reuters

Một người đàn ông khi đi ngang qua những chiếc lốp xe đang bốc cháy trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Mandalay. Ảnh: Reuters.

Nằm trong một khu vực sôi động và có dân số khá lớn, Myanmar được coi là một trong những quốc gia hứa hẹn nhất sau khi nước này thoát khỏi sự cô lập của các nước phương Tây. Nhưng hai tháng sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào ngày 1 tháng 2, nền kinh tế của đất nước gần như đi vào bế tắc.

Các cuộc biểu tình và bạo loạn khiến nhiều người nghỉ làm ở nhà nhằm phá hoại lợi ích kinh tế của chính quyền. Điều này buộc chính quyền phải áp dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn lại người biểu tình. 

Dữ liệu về tính di động của Google Maps vào cuối tháng 3 cho thấy, lưu lượng người đi bộ tại các cơ sở bán lẻ và giải trí trên toàn quốc giảm tới 85% so với trước khi diễn ra đại dịch Covid-19 và giảm tới 80% tại các nơi làm việc. Lưu lượng đi lại tại các khu dân cư vào cuối tháng 3 đã tăng khoảng 20% ​​đến 30% do nhiều người ở nhà hơn.

Một "cuộc biểu tình im lặng" được kêu gọi vào ngày 24 tháng 3 để đóng cửa các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, khiến quân đội phải tìm cách buộc các cơ sở này mở cửa trở lại.

Vào ngày đình công, chính quyền ở Yangon đã gọi hàng chục quản lý và nhân viên khác tại các nhà bán lẻ bao gồm City Mart, chuỗi siêu thị lớn nhất của đất nước, đến văn phòng chính phủ. Họ đã bị giam giữ ở đó hơn 24 giờ khi các quan chức yêu cầu biết lý do tại sao các cửa hàng đóng cửa và ai đã chủ mưu việc này.

Các nhân viên ở đó đã buộc phải ký cam kết thông báo cho chính quyền về mọi kế hoạch đóng cửa từ cửa hàng của họ. "Nếu chứng ta cứ mãi đình công để không hoạt động thì mọi thứ sẽ như thế nào trong tương lai?", một người bán của cửa hàng cho hay. 

Sự sụt giảm hoạt động đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ hơn, chẳng hạn như một người bán trái cây ở một khu vực của Yangon hiện đang bị thiết quân luật. Người đàn ông 63 tuổi cho biết: “Bình thường xe cộ qua lại đông đúc nhưng dạo gần đây tôi hầu như đóng cửa vào buổi trưa vì không có khách.

Trong khi đó, các luồng hàng hóa quốc tế đang cạn kiệt. Dữ liệu của chính phủ trong tuần tính đến ngày 12 tháng 3 cho thấy, giá trị xuất khẩu của nước này đạt 252 triệu USD và nhập khẩu đạt 254 triệu USD, giảm 30% so với mức bình quân hàng tuần trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021.

AP Moller Maersk, công ty vận tải container lớn nhất thế giới, đã tạm ngừng hoạt động văn phòng và kho hàng tại Myanmar vào đầu tháng 3 để "đảm bảo an toàn tinh thần và sức khỏe" cho nhân viên của mình.

Dòng tiền và vốn - huyết mạch của một nền kinh tế cũng đã giảm. Doanh thu tổng thể của sáu công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Yangon đạt trung bình 6,31 triệu kyat (4.400 USD) mỗi ngày trong năm ngày giao dịch đến hết thứ ngày 31.3, giảm 85% so với tuần trước khi diễn ra cuộc đảo chính và dự báo hoạt động khó có thể tăng lên cho đến khi tình trạng hỗn loạn lắng xuống.

Shinsuke Goto, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn quản lý Trust Venture Partners có trụ sở tại Yangon và là cựu nhân viên của Daiwa Securities Nhật Bản cho biết: “Giao dịch chứng khoán ngày càng ít được quan tâm hơn.

Các chi nhánh của các ngân hàng tư nhân đã bị đóng cửa kể từ giữa tháng Hai, ngăn cản khách hàng thực hiện các khoản rút tiền lớn hoặc chuyển khoản quốc tế. Việc nạp tiền cho một số máy ATM đã tiếp tục vào giữa tháng 3, nhưng khả năng truy cập vào tiền vẫn bị hạn chế. Một số ngân hàng hôm thứ Ba đã hạ giới hạn rút tiền hàng ngày xuống 200.000 kyat từ mức giới hạn 500.000 kyat do ngân hàng trung ương quy định.

"Các công trường xây dựng địa phương nói chung đang thiếu tiền mặt và với tốc độ này, họ sẽ không thể tiếp tục hoạt động vì không thể trả tiền cho lao động", một quản lý địa phương tại một công ty xây dựng Nhật Bản cho biết. Một doanh nghiệp vận tải cho rằng, việc các nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán thuế là một yếu tố làm chậm quá trình xử lý hải quan.

Theo truyền thông địa phương, ngân hàng trung ương Myanmar đã đe dọa phạt các ngân hàng hàng tuần nếu họ vẫn đóng cửa.

Cuộc đảo chính có nguy cơ làm suy giảm tốc độ tăng trưởng vừa đạt được trong thập kỷ qua sau nhiều năm áp dụng các chính sách kìm hãm sự phát triển kinh tế kèm theo các lệnh trừng phạt quốc tế. 

Nhà kinh tế Shreeya Patel của IHS Markit cho biết trong báo cáo mới: “Các cuộc biểu tình trên toàn quốc, đóng cửa nhà máy và bất ổn chính trị mang lại sự thụt lùi mạnh mẽ cho triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành".

Với hàng loạt các phản ứng tiêu cực của các nước phương Tây đối với Myanmar liên quan đến cuộc đảo chính mới đây ở nước này, triển vọng kinh tế Myanmar khó lòng được cải thiện

Bảo Bảo (Theo Nikkei Asia)