Bài liên quan |
Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 chính thức trở lại |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 210/2025/NĐ-CP ngày 21/7/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2025, trong đó Điều 5 và Điều 7 – các quy định cốt lõi liên quan đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo – đã được sửa đổi đáng kể.
Theo Nghị định số 210/2025/NĐ-CP, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là một tổ chức không có tư cách pháp nhân, được thành lập bởi từ 2 đến tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn trên cơ sở điều lệ quỹ. Đáng chú ý, các quỹ này không được phép góp vốn vào các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác, nhằm hạn chế rủi ro chồng chéo và đảm bảo mục tiêu đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.
![]() |
Quy định mới về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ 15/9/2025. Ảnh minh họa |
Tài sản góp vốn vào quỹ có thể là đồng Việt Nam, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.
Về hoạt động đầu tư, quỹ được phép đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, với tổng mức đầu tư không vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau đầu tư. Các hình thức đầu tư bao gồm: Các công cụ đầu tư có thể chuyển đổi và quyền mua cổ phần, tuy nhiên các giao dịch này không được phép chuyển nhượng cho bên thứ ba.
Quỹ có thể sử dụng phần vốn nhàn rỗi để gửi tiền có kỳ hạn hoặc mua chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng được ban đại diện quỹ phê duyệt, nhưng phải bảo đảm an toàn vốn. Toàn bộ vốn và tài sản của nhà đầu tư phải được hạch toán độc lập với nguồn vốn và tài sản của công ty quản lý quỹ (nếu có).
Nghị định số 210/2025/NĐ-CP cho phép các nhà đầu tư tự quản lý quỹ hoặc thuê công ty thực hiện quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục thành lập quỹ theo quy định và chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư theo đúng điều lệ quỹ và hợp đồng với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro và tránh xung đột lợi ích, công ty quản lý quỹ không được sử dụng vốn, tài sản của quỹ để: Đầu tư ngược trở lại chính quỹ đó; cho vay thương mại hoặc bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay thương mại nào. Đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu, chứng chỉ quỹ theo pháp luật chứng khoán. Cam kết lợi nhuận trong tài liệu hoặc hoạt động huy động vốn của quỹ.
Việc sửa đổi Nghị định 38 thông qua Nghị định 210/2025/NĐ-CP được đánh giá là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tăng tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Qua đó, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.