Trung Quốc nộp đơn gia nhập Hiệp ước Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số với Singapore và New Zealand

21:20 01/11/2021

Ý định của Bắc Kinh đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số được cho là không rõ ràng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây xôn xao khi tuyên bố nước này sẽ tìm cách gia nhập DEPA.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây xôn xao khi tuyên bố nước này sẽ tìm cách gia nhập DEPA. (Ảnh: Nikkei Asia)

Động thái bất ngờ của Trung Quốc nhằm xin gia nhập một hiệp ước thương mại kỹ thuật số toàn cầu mới ra đời ngay trong bối cảnh nước này thắt chặt luồng dữ liệu xuyên biên giới, đã đặt ra nhiều nghi ngại. Sự kiện diễn ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo về ý định tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) của Bắc Kinh. Đơn đăng ký được đưa ra vài tuần sau khi Bắc Kinh nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm đến hiệp định thương mại kỹ thuật số. Singapore, New Zealand và Chile đã cùng nhau khởi động cả DEPA và CPTPP. DEPA, được ký kết vào năm ngoái, đã thu hút sự quan tâm từ Hàn Quốc và Canada mặc dù cả hai đều chưa chính thức đăng ký tham gia.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết việc Bắc Kinh gia nhập sẽ “tăng cường hợp tác với các thành viên của nền kinh tế kỹ thuật số”. Shi Yinhong, cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc kiêm giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết còn quá sớm để biết mức độ nghiêm trọng của quyết định này. Theo ông, “cần phải thiết lập luồng thông tin tự do nếu Trung Quốc muốn gia nhập khối, nhưng không loại trừ các nước như New Zealand đưa ra yêu cầu tiếp cận khá khắt khe đối với Trung Quốc và quá trình đàm phán khó khăn. Thái độ của Trung Quốc sẽ được kiểm chứng trong quá trình sau này”. Và rằng "nếu Trung Quốc không được kết nạp thành viên, điều đó có nghĩa là sự đe dọa từ nước này không đáng sợ đến vậy”.

Nick Marro, trưởng nhóm nghiên cứu thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết: “Cũng giống như CPTPP, việc tuân thủ trung thực của Trung Quốc với DEPA sẽ đòi hỏi một số cải cách chính sách và quy định phù hợp, đặc biệt là liên quan đến tính minh bạch của dữ liệu và luồng dữ liệu tự do”. Ông nói thêm: “Nhưng điều này có thể khó khăn do ICT (lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông) ngày càng trở nên hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 5 năm qua”. Lập trường của Bắc Kinh về dữ liệu được coi là trở ngại tiềm tàng đối với việc nước này gia nhập CPTPP, nhưng với DEPA, thách thức có thể được giảm bớt. Hiện thỏa thuận thiếu nhiều quy tắc ràng buộc, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào hợp tác trong các lĩnh vực như truyền dữ liệu, thương mại điện tử, bảo vệ quyền riêng tư và trí tuệ nhân tạo.

Stephen Olson, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, một nhóm có trụ sở tại Hồng Kông, tập trung vào thương mại, cho hay: “Nhiều cam kết trong DEPA chỉ đơn giản là khẳng định các nghĩa vụ hiện có, chia sẻ các phương pháp hay nhất, thảo luận và thiết lập khuôn khổ cho hợp tác trong tương lai”. Ông nói: “Với sự phức tạp của các vấn đề kỹ thuật số, đây có lẽ là những bước cần thiết và hữu ích, nhưng điều đó có nghĩa là thỏa thuận sẽ không đặt ra bất kỳ thách thức lớn nào đối với Trung Quốc. Đối với các điều khoản, các bên có thể tuân thủ bằng cách đơn giản, nỗ lực là đủ”.

Ông chỉ ra, thông qua DEPA, Trung Quốc sẽ có được một ghế trong một diễn đàn có thể giúp hình thành các quy tắc kinh tế kỹ thuật số toàn cầu. Deborah Elms, người sáng lập và giám đốc điều hành của nhóm vận động Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore, đồng ý rằng đó có thể là động lực chính của Bắc Kinh trong việc nộp đơn lên DEPA.

TL