Quyết định hạn chế xuất khẩu một số kim loại chiến lược mới đây của Trung Quốc đã khiến nhiều công ty phải xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ở thời điểm mà tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng đang làm dấy lên những lo ngại sẽ có thêm nhiều hạn chế nữa trong thời gian tới.
Trong động thái mà một cố vấn thương mại hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo rằng mới “chỉ là bước khởi đầu," Trung Quốc đầu tuần này đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm sản xuất từ các kim loại gali và gecmani, vốn cần thiết để sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử khác, để bảo vệ an ninh quốc gia.
Trung Quốc đưa ra các biện pháp nói trên trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang tăng nỗ lực cạnh tranh trên thị trường chip toàn cầu. Trung Quốc vốn là nhà sản xuất chính hai loại kim loại trên. Theo báo cáo năm 2020 của Ủy ban châu Âu, lượng gali và germani do Trung Quốc sản xuất đều chiếm 80% sản lượng toàn cầu. Gali được sử dụng trong các mạch tích hợp, đèn LED và tấm quang điện cho các tấm pin Mặt Trời, trong khi germani là chất thiết yếu để sản xuất sợi quang học và ống kính máy ảnh hồng ngoại.
Trung Quốc hiện còn nắm giữ khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất pin xe điện và các mặt hàng điện tử. Trung Quốc chiếm ít nhất 85% năng lực của toàn thế giới trong việc xử lý đất hiếm thành nguyên liệu mà các nhà sản xuất có thể sử dụng. Đây là một công đoạn mà nhiều nước khác đang muốn phát triển.
Trung Quốc là lựa chọn nguồn cung đối với nhiều công ty vì nước này có thể xuất khẩu các khoáng chất đã qua xử lý ở mức giá thấp hơn các nước khác. Tuy nhiên, nếu giá tăng sau khi các quy định hạn chế nói trên có hiệu lực, các công ty sẽ có thêm lý do để dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Nhà sản xuất khoáng sản và kim loại có trụ sở ở Hà Lan Nyrstar cho biết đang xem xét các dự án gali và gecmani ở Australia, châu Âu và Mỹ để góp phần giảm tình trạng thiếu hụt nguồn cung do các biện pháp hạn chế của Trung Quốc.
Ngọc Phi (TH)