Các nhà chức trách đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc chạy đua vắc xin cũng như các loại thuốc Covid mới nhất giữa các quốc gia. Chính phủ nước này cho biết đã tổ chức các cuộc họp kín với một công ty dược phẩm toàn cầu để đặt mua trước các phương pháp điều trị Covid-19. Koh Jae-young, một quan chức cấp cao của cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương trả lời phóng viên vào hôm thứ tư: “Các điều khoản thảo luận được bảo mật. Chúng tôi sẽ tiết lộ một số chi tiết sau khi hợp đồng hoàn tất”.
Trong số các công ty dược phẩm toàn cầu, Merck đi trước các đối thủ cạnh tranh trong việc phát triển phương pháp điều trị Covid-19 đường uống. Công ty dự kiến sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir (MK-4482) từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ sớm nhất vào tháng 10. Theo đó, Molnupiravir là một “ứng cử viên sáng giá” trong điều trị bệnh từ mức độ nhẹ đến trung bình.
Các quan chức cho biết chính phủ đang xem xét mua trước các phương pháp điều trị từ nhiều công ty dược phẩm nhằm giảm nguy cơ xảy ra các vấn đề về nguồn cung cấp và tác dụng phụ. Việc tìm kiếm đa dạng nguồn cung là điều cần thiết cho kế hoạch sắp chuyển sang giai đoạn “sống chung với Covid-10” sớm nhất vào cuối tháng 10. Ủy viên Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết trong một phiên họp Quốc hội ngày 7 tháng 9: “Phương pháp điều trị sẽ giúp chữa trị trong giai đoạn đầu và ngăn ngừa bệnh nặng, cải thiện tình trạng của đất nước”.
Chính phủ đã phân bổ 16,8 tỷ won (14 triệu đô la) để mua phương pháp điều trị cho 18.000 người trong năm nay và 19,4 tỷ won cho 20.000 người vào năm tới. Chon Eun-mi, giáo sư y học hô hấp tại Bệnh viện Mokdong, Đại học Ewha Womans, chỉ ra: “Nếu khoảng 2.000 bệnh nhân nhiễm virus tiếp tục được báo cáo mỗi ngày, phương pháp điều trị ước tính cho 38.000 người sẽ không đủ. Chính phủ nên làm việc để mua các phương pháp điều trị với số lượng lớn, như chính phủ Hoa Kỳ đã làm”. Về vấn đề này, Park Chan-soo, người phụ trách các vấn đề tài chính tại KDCA, cho hay chính phủ sẽ sử dụng quỹ dự phòng trong năm tới để mua các phương pháp điều trị bổ sung nếu cần, sau khi theo dõi tình hình liên quan đến các trường hợp virus mới hàng ngày.
Vấn đề giá cả
Trong khi đó, nhiều người đặt ra câu hỏi về giá của các phương pháp điều trị và cho rằng chi phí bỏ ra quá đắt. Dựa trên thực tế chính phủ phân bổ tổng cộng 36,2 tỷ won để mua thuốc điều trị cho 38.000 người, giá ước tính cho mỗi người vào khoảng 950.000 won, đắt hơn nhiều so với các loại thuốc khác nói chung.
Các cơ quan y tế từ chối cung cấp chi tiết giá cả cụ thẻ với lý do bảo mật nhưng lưu ý rằng ngày cả khi đây là sự thật, 950.000 won không phải là giá đắt khi thiệt hại kinh tế chắc chắn lớn hơn gấp nhiều lần nếu không sử dụng thuốc. Bae Gyeong-taek, một quan chức cấp cao từ cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương chia sẻ: “Nếu bệnh nhân không uống thuốc, họ sẽ phải nhập viện hoặc đưa vào trung tâm điều trị cộng đồng. Chúng ta nên nghĩ đến chi phí cho việc này bên cạnh những thiệt hại có thể xảy ra khi bệnh nhân không thể thực hiện các hoạt động kinh tế” và “Các phương pháp điều trị đường uống sẽ giúp bệnh nhân tự theo dõi tại nhà”.
Các nhà bình luận cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, một số cho rằng chính phủ cần tích cực hơn trong hoạt động mua các loại thuốc mới chấp nhận giá đặt nhưng số khác có thái độ thận trọng hơn khi tiêu tiền thuế của người dân. Có rất nhiều các bình luận bày tỏ quan điểm cá nhân trên Naver như: “Chúng ta nên chấp nhận một thực tế rằng giá thuốc mới luôn đắt đỏ" hay “Phương pháp điều trị Covid-19 đường uống vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, có nghĩa là không ai biết về hiệu quả và tác dụng phụ. Tôi nghĩ chính phủ đã đi quá xa trong việc phân bổ ngân sách để mua những loại thuốc như vậy”.
Theo KDCA, Hàn Quốc ghi nhận thêm thêm 1.755 ca nhiễm trong ngày thứ Bảy, bao gồm 1.725 ca lây nhiễm cục bộ, nâng tổng số ca lên 272.982 trường hợp. Con số mới nhất đã giảm so với hơn 1.800 trường hợp trong hai ngày trước đó, tuy nhiên, đây là vẫn là con số cao thứ hai tính trong một ngày.
TL