TP.HCM triển khai các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên địa bàn. |
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch về công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức; các tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP tổ chức tuyên truyền, triển khai những nội dung quy định tại Nghị định số 13; chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về quyền và nghĩa vụ, xác định trách nhiệm cần thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến những hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân tiến hành rà soát tổng thể, phân loại dữ liệu cá nhân đã thu thập, đang xử lý, từ đó xác định trách nhiệm bảo vệ tương ứng với từng loại dữ liệu cá nhân theo quy định của Nghị định số 13.
Rà soát, đánh giá quy trình thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân, đề xuất ban hành các biện pháp quản lý phù hợp với quy mô, mức độ xử lý dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi chuyển giao dữ liệu cá nhân trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân nếu phát hiện.
Cùng với đó, chỉ định bộ phận có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ định nhân sự phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân bằng văn bản có hiệu lực pháp lý nếu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm và trao đổi 1 bản chính về cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an).
Mặt khác, thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong trường hợp phát hiện xảy ra vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân về cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, lập hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài và gửi cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân theo 3 hình thức: Trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân; trực tiếp tại Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an; hoặc theo đường bưu chính sau 60 ngày kể từ ngày xử lý dữ liệu cá nhân hoặc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài.
Ngoài ra, triển khai, hướng dẫn triển khai các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hoạt động chuyển giao trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định pháp luật.
Hãng bảo mật Kaspersky mới đây cho biết, chỉ trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, họ đã ngăn chặn hơn 4,8 triệu mối đe dọa thông qua các trang web trên máy tính của người tham gia mạng lưới bảo mật Kaspersky tại Việt Nam. Cứ 5 người Việt Nam thì có 1 người từng đối diện với sự cố an ninh mạng trên các trang web. Theo đó, tội phạm mạng vẫn tiếp tục sử dụng hai phương thức chính để lan truyền phần mềm độc hại thông qua trình duyệt web: khai thác các lỗ hổng trong trình duyệt và plugin (tấn công drive-by download) và tấn công phi kỹ thuật (social engineering). Mặc dù các mối đe dọa web đã giảm, nhưng số lượng người dùng bị tấn công bởi phần mềm độc hại, lây lan qua các thiết bị lưu trữ di động như USB, CD và DVD (các mối đe dọa địa phương) vẫn còn đáng lo ngại. Kaspersky đã phát hiện gần 21,9 vụ tấn công địa phương tại Việt Nam trong quý 2-2024, giảm nhẹ so với mức 30,9 triệu vụ cùng kỳ năm 2023. Theo khuyến cáo của Kaspersky, người dùng nên thường xuyên sao lưu dữ liệu quan trọng ở các nguồn bên ngoài hoặc trên đám mây để có thể phục hồi nhanh chóng trong trường hợp bị tấn công, mà không phải trả tiền chuộc. Người dùng nên luôn cập nhật các thiết bị, phần mềm và ứng dụng lên phiên bản mới nhất để vá lỗ hổng bảo mật. Thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng, để chủ động ứng phó với các mối đe dọa mới nổi. |