Theo Công an TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 10/7 đến nay, lực lượng chức năng đã phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện tổng rà soát, kiểm tra và tuyên truyền về công tác PCCC tại các khu dân cư có nguy cơ cao, đặc biệt là nơi vẫn còn tồn tại “chuồng cọp” cản trở thoát nạn. Kết quả, đã có 65 công trình, tương đương 1.064 căn hộ, hoàn thành việc tháo dỡ hoặc mở lối thoát hiểm thứ hai. Tuy nhiên, vẫn còn 79 công trình với 1.457 căn hộ chưa thực hiện.
Công an thành phố cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn và vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp”. Các hộ dân sẽ được yêu cầu cam kết thực hiện trong thời gian sớm nhất. Lực lượng chức năng sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tăng cường tuyên truyền vào cuối tuần và buổi tối, thời điểm người dân thường có mặt tại nhà.
![]() |
Các hộ dân có lắp đặt “chuồng cọp” tại chung cư, chung cư cũ, nhà ở nhiều căn hộ phải hoàn tất việc tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn thứ hai trước ngày 15/8/2025 |
Liên quan đến việc xử lý các cơ sở vi phạm PCCC theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 30/3/2025, các chung cư mini, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chưa hoàn thành khắc phục các vi phạm về PCCC sẽ buộc phải dừng hoạt động.
Hiện nay, toàn thành phố có 99.997 cơ sở thuộc nhóm nguy cơ cháy nổ cao, trong đó 18.347 cơ sở còn tồn tại vi phạm. Đáng chú ý, đến thời điểm này, vẫn còn 344 cơ sở chưa khắc phục theo yêu cầu, gồm 258 cơ sở do UBND cấp xã quản lý và 86 cơ sở do Công an quản lý. Công an TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu chính quyền cấp huyện (cũ) ban hành quyết định tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở này.
Chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP. Hồ Chí Minh cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng thể hiện nỗ lực rõ rệt trong việc siết chặt quản lý an toàn PCCC, từng bước xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh cho người dân thành phố.
Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, nghiêm cấm việc tự ý thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực của nhà ở, trong đó bao gồm cả việc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng cư dân. Đặc biệt, khoản 2 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi này như sau: - Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư. - Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu cá nhân thực hiện hành vi tương tự. |