Theo báo cáo, GRDP của TP. Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm 2025 ước tăng 7,49% (không tính dầu thô), thu ngân sách đạt 54,5% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 46.686 tỷ đồng, tương đương 30,9% kế hoạch năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 919.755 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 1,3%. Xuất khẩu đạt 46,7 tỷ USD, nhập khẩu 47,9 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút đạt 4,725 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chú trọng đến các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, an sinh và văn hóa. Các hoạt động lễ hội được tổ chức tiết kiệm, chu đáo; đối ngoại hiệu quả; an ninh trật tự được giữ vững; kinh tế số và xã hội số có bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận còn tồn tại một số hạn chế, như một số chỉ tiêu tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng; tiến độ giải ngân vốn khoa học – công nghệ còn chậm; doanh nghiệp mới thành lập giảm về vốn; công tác tổ chức, tinh giản bộ máy còn gặp khó khăn. Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng |
Đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8,5% trong năm 2025, TP. Hồ Chí Minh xác định tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Đặc biệt, tập trung thực hiện chương trình hành động về “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị: khoa học – công nghệ, hội nhập quốc tế, pháp luật và kinh tế tư nhân; cùng đợt thi đua 100 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
TP. Hồ Chí Minh sẽ khẩn trương hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy, phân cấp – phân quyền phù hợp, xử lý hiệu quả nhà đất công sau tinh gọn; chủ động, linh hoạt trong điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, giữ vững mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.
Trong sáu tháng cuối năm, thành phố sẽ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho 46 dự án lớn; cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh.
TP. Hồ Chí Minh cũng đang hoàn tất đề án chuyển đổi năm khu chế xuất và khu công nghiệp (Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu) theo định hướng công nghệ cao, sáng tạo, xanh và tuần hoàn. Song song đó, thành phố sẽ phát triển khu công nghệ thông tin tập trung 220 ha gồm 4 phân khu chức năng.
Thành phố xác định tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ưu tiên dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, có lợi thế cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ. Ngành du lịch sẽ được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với hạ tầng logistics và thương mại tự do, đặc biệt tại các khu vực như Cái Mép – Thị Vải, Phú Mỹ.
Thành phố cũng sẽ hoàn thiện chỉnh trang tuyến đường Thùy Vân – Bãi Sau trước ngày 2/9, nhằm phục vụ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về hạ tầng, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng và đô thị lớn, bên cạnh hệ thống hạ tầng cho chuyển đổi số và đô thị thông minh.