Dự án Vành đai 3 giai đoạn 1 dài 76,34km đi qua các địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Đường song hành được làm từ 2 đến 3 làn xe. Giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh từ 63 đến 74,5m, riêng một đoạn gần nút giao Tân Vạn (thành phố Thủ Đức) rộng 120m.
HĐND tỉnh Long An và HĐND TP HCM đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn để đầu tư dự án. Việc sớm ban hành nghị quyết để đảm bảo tính pháp lý của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp vào tháng sau.
Do đó, TP HCM đề nghị UBND tỉnh Bình Dương và Đồng Nai khẩn trương báo cáo HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết (trước ngày 20/4) thống nhất chủ trương đầu tư dự án.
Thành phố HCM cũng đề nghị Bình Dương và Đồng Nai cam kết đảm bảo cân đối, bố trí ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần và phần vốn tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư (nếu có).
Chỉ định thầu được xem là cơ chế then chốt sớm đưa Vành đai 3 TPHCM về đích. Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho rằng, với dự án lớn, khối lượng giải phóng mặt bằng, thi công lớn trải dài qua các địa phương nên việc đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ.
“Cơ sở của đề xuất này là mới đây Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, cho phép các dự án quan trọng, quy mô lớn, cấp bách liên quan hạ tầng giao thông, y tế được xem xét, quyết định chỉ định thầu trong năm 2022 và 2023” - ông Phúc nói.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, về nguyên tắc đầu tư công phải là đấu thầu. Tuy nhiên, nếu chỉ định thầu mà minh bạch, không tiêu cực còn tốt hơn.
“Với những dự án giao thông vùng như đường Vành đai 3 bao gồm nhiều địa phương phối hợp lại chứ không phải một địa phương, thì rõ ràng chỉ định thầu khó mà không minh bạch được. Công khai, minh bạch là quan trọng nhất và như thế sẽ loại bỏ được "sân sau", "quan hệ". Minh bạch trong chỉ định thầu sẽ chọn nhà thầu tốt” - ông Lịch nói.
Ngoài vấn đề bố trí ngân sách Trung ương, ông Trần Du Lịch cho rằng, cần cơ chế để huy động nguồn lực làm Vành đai 3. Các địa phương đề xuất khai thác quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá, thu về cho ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng là cần thiết.
“Tôi tin rằng quỹ đất hai bên đường Vành đai 3 nếu có cơ chế tốt, tổ chức quy hoạch, đấu giá thì nguồn thu đủ sức làm con đường này. Nhưng muốn làm được phải có chủ trương của Chính phủ và sự hợp tác của các địa phương trong vùng” - ông Lịch nói.
D. Hồng