Các tuyến này được đặt theo tên các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải,... Việc đặt tên cho các tuyến đường rất có ý nghĩa này, nhằm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo đó, Quốc lộ 1 có 3 đoạn được đề xuất đổi tên. Trong đó đặt tên Đỗ Mười cho đoạn 1 từ nút giao Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến nút giao An Sương (đi qua TP. Thủ Đức, quận 12), dài 21km. Ông Đỗ Mười (1917-2018) là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương từ năm 1991 đến 1997.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức công bố đặt tên đường Đỗ Mười. |
Đặt tên Lê Khả Phiêu cho đoạn 3 quốc lộ 1 từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh), dài 9,4km. Ông Lê Khả Phiêu (1931-2020) là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến 2001.
Đặt tên Lê Đức Anh cho đoạn 2 quốc lộ 1 từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc (quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân), dài 14,2km. Đại tướng Lê Đức Anh (1920-2019) là Chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997.
Quốc lộ 22 có 2 đoạn được đề xuất đổi và đặt tên Lê Quang Đạo cho đoạn 1 từ quốc lộ 1 đến cầu An Hạ (huyện Hóc Môn, quận 12) dài 10km. Ông Lê Quang Đạo (1921-1999) là Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam từ năm 1987 đến 1992.
Các đồng chí lãnh đạo chụp hình lưu niệm, trao quà đến đại diện gia đình đồng chí Đỗ Mười. |
Đặt tên Phan Văn Khải cho đoạn 2 quốc lộ 22 từ cầu An Hạ đến ranh tỉnh Tây Ninh (huyện Củ Chi), dài 20km. Ông Phan Văn Khải (1933-2018) là Thủ tướng từ năm 1997 đến 2006. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ, việc đặt tên các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các quốc lộ nhằm tôn vinh các nhà cách mạng tiền bối đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại buổi lễ. |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy, việc đặt tên các con đường nhằm phục vụ cho công tác quản lý đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận diện, tìm kiếm tên đường và địa chỉ. Tuy nhiên, việc đặt tên đường mới phần nào sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Do đó các cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện, hạn chế thấp nhất việc gây xáo trộn và ảnh hưởng đời sống nhân dân.
Quốc lộ 50 dự kiến đặt tên Văn Tiến Dũng cho đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường đến ranh tỉnh Long An (quận 8, huyện Bình Chánh), chiều dài gần 11km. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đảm nhiệm chức vụ Tổng tham mưu trưởng, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị - Thiên (1972), Tây Nguyên (1975), Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (Xuân 1975). Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1980 đến năm 1986, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) từ 1984 – 1986.
Gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh chụp hình dưới bảng tên đường mang tên ông. Ảnh: Thanh Thuỷ |
Với quốc lộ 1K, dự kiến đặt tên Hoàng Cầm cho đoạn từ quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương (TP. Thủ Đức), chiều dài 1,8km. Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013) đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến tranh biên giới Tây Nam... Những năm hòa bình, ông đảm nhiệm các chức vụ trong quân đội như Tư lệnh Quân khu 4, Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam với hàm Thượng tướng.
Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Hóc Môn, có tên mới là Phan Văn Khải. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Đặt tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh trong dịp này là hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2025 của đất nước và Thành phố.