Nửa đầu năm 2025 đã chứng kiến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) thiết lập những cột mốc ấn tượng, khẳng định vị thế dẫn đầu trong khối ngân hàng tư nhân Việt Nam. Với tổng tài sản vượt mốc 1.1 triệu tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, VPBank không chỉ tăng trưởng vượt trội về quy mô mà còn đảm bảo chất lượng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2025, VPBank chính thức trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, đạt con số hợp nhất kỷ lục hơn 1.1 triệu tỷ đồng. Riêng ngân hàng mẹ cũng tiến sát mốc 1,05 triệu tỷ đồng. Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện khả năng mở rộng quy mô mạnh mẽ mà còn phản ánh năng lực quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực.
![]() |
Tổng tài sản của ngân hàng VPBank vượt 1,1 triệu tỷ đồng |
Đi sâu vào chi tiết, dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank đạt hơn 842.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm và 30,3% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này có đóng góp đáng kể từ cả ngân hàng mẹ và các công ty con. Đặc biệt, hưởng ứng Nghị quyết 68 về thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, phân khúc chiến lược khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của VPBank đã ghi nhận mức tăng trưởng 20% nhờ triển khai hiệu quả các chương trình cho vay theo vùng, ngành nghề và lĩnh vực ưu tiên.
Để củng cố cho hoạt động tín dụng, nguồn huy động tiền gửi và giấy tờ có giá riêng lẻ của VPBank tiếp tục đột phá, tăng tới 27,5% so với đầu năm, gấp hơn 4 lần mức trung bình ngành (6,11% tính đến ngày 26/6). Đáng chú ý, nhờ một loạt sáng kiến ưu việt như công cụ Super Sinh Lời và việc đồng hành cùng đại nhạc hội VPBank K-star Spark in Vietnam, quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tiệm cận mốc 100.000 tỷ đồng, tăng gần 40%. Điều này cho thấy VPBank không chỉ thu hút được nguồn vốn giá rẻ mà còn thành công trong việc tạo dựng lòng tin và sự gắn kết với khách hàng thông qua các hoạt động ý nghĩa.
Song song với việc tăng trưởng quy mô, VPBank cũng liên tiếp ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế khi huy động thành công khoản vay hợp vốn kỷ lục trị giá 1,56 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm từ các định chế tài chính hàng đầu. Nguồn vốn dồi dào này không chỉ tăng cường năng lực tài chính mà còn khẳng định uy tín của VPBank trên trường quốc tế.
Đi đôi với tăng trưởng vượt trội về quy mô là sự cải thiện không ngừng về chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ theo Thông tư 31 được kiểm soát ở mức 2,31%. Đặc biệt, nợ nhóm 2 giảm quý thứ 4 liên tiếp, tạo dư địa lớn để chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện trong tương lai. Sau 6 tháng, thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất vượt 1.700 tỷ đồng, thể hiện nỗ lực quyết liệt và hiệu quả của ngân hàng trong công tác xử lý tài sản. Việc Nghị quyết 42 chính thức được luật hóa là cú hích quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc để VPBank đẩy mạnh hoạt động thu hồi nợ xấu, củng cố nền tảng tài chính lành mạnh và bền vững.
Với nguồn huy động dồi dào, các tỷ lệ an toàn như cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) và vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lần lượt được kiểm soát ở mức 80,2% và 25,8%, luôn duy trì trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất tiếp tục nằm trong nhóm cao nhất thị trường, đạt gần 14%. Trong quý II, VPBank cũng dành gần 4.000 tỷ đồng để chi trả cổ tức, khẳng định năng lực tài chính vững vàng và cam kết gắn bó lâu dài cùng cổ đông.
Với những nền tảng vững chắc trên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank trong nửa đầu năm đạt 11.229 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Riêng trong quý II, lợi nhuận ở mức 6.215 tỷ đồng, vượt qua kỳ vọng của nhiều công ty chứng khoán. Sau 6 tháng, ngân hàng đã thực hiện 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đồng thời tiến rất sát mục tiêu tổng tài sản tới cuối năm (1.13 triệu tỷ đồng).
Động lực tăng trưởng đến từ cả ngân hàng mẹ và các công ty thành viên, cho thấy hiệu quả rõ nét của chiến lược xây dựng hệ sinh thái mở rộng khác biệt. Ngân hàng riêng lẻ tiếp tục đóng vai trò trụ cột, với lợi nhuận trước thuế đạt 5.753 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng ấn tượng 61%.
Đặc biệt, tận dụng thị trường chứng khoán sôi động, VPBankS báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm nay với gần 900 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 80%. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt gần 18.000 tỷ đồng, lọt top 4 về quy mô margin toàn ngành chứng khoán. Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE CREDIT có lãi quý thứ 5 liên tiếp, đạt 270 tỷ đồng trong nửa đầu năm, khẳng định hiệu quả của tiến trình tái cấu trúc toàn diện.