Tổng quan về dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025: Bài 3 - Cần thiết để “khơi thông những điểm nghẽn” giai đoạn 2016 - 2020

13:51 06/11/2021

Dự thảo nêu rõ sự cần thiết xây dựng Đề án và mục tiêu, định hướng để hoạch định nhiệm vụ, giải pháp nhằm “khơi thông” những “điểm nghẽn” tồn tại trong giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện hiệu quả chính sách phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến 2025 ...

Từ sự cần thiết xây dựng Đề án…

Có thể khẳng định, khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương. Đồng thời, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị. Là một trong những lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất xã hội. 

  Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2021: "Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp"

Vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, nên có nhiều chính sách, nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống, nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, hiệu quả khu vực doanh nghiệp. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trên địa bàn phát triển. Giai đoạn 2016 – 2020, số lượng doanh nghiệp Nghệ An phát triển khá nhanh, hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn. Khu vực doanh nghiệp đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến cuối năm 2020, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của Nghệ An đứng thứ 9 cả nước và thứ 2 Khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy vậy, doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ của Nghệ An chiếm đến 97,03%. Khả năng cạnh tranhh, thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô, tiềm lực lớn làm “đầu tàu” để dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển. 

  VCCI Nghệ An lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng

Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc và năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước; đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 30.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động.

Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, thúc đẩy khu vực doanhh nghiệp tỉnh Nghệ An phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc nhằm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nêu trên, thì việc xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 là thật sự cần thiết.

Đến mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp…

Dự thảo Đề án nêu rõ mục tiêu tổng quát: Phát triển doanhh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là phát triển về chất lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; tạo thuận lợi để các doanhh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô, hình thành một số doanh nghiệp “đầu tàu” có nguồn lực mạnh để đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng. Từ đó tác động lan toả đến phát triển doanh nghiệp của tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị (sản xuất, phân phối) các hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, của cả nước và quốc tế; đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. 

  VCCI Nghệ An đã tổ chức Hội nghị trực tuyến  "Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp"

Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Nghệ an có khoảng 32.500 – 43.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20.000 -20.500 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chiếm 3% - 4% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025; bình quân hàng năm doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 – 25.000 lao động; phấn đấu đến năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% thu ngân sách của tỉnh; huy động vốn từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 35 -40% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm chủ yếu đạt 35 – 38%.

Từ mục tiêu trên, dự thảo Đề án đã định hướng phát triển doanh nghiệp đến năm 2025: Chú trọng phát triển doanh nghiệp theo hướng hình thành cụm liên kết, chuỗi giá trị; khuyến khích và hỗ trợ các hộ kinh doanh có đủ khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực có sản phẩm xuất khẩu và có giá trị gia tăng cao; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội , quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh (dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp), cụ thể: Về dịch vụ: Phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thương mại, logistics,, giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. 

  Doanh nghiệp ngành may mặc Nghệ An duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Về công nghiệp: Chú trọng phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm số; các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hình thành cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu gắn với chuỗi giá trị trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp gắn liền với việc khai thác có hiệu quả Cảng biển Cửa Lò, Cảng Đông Hồi.

Về nông nghiệp: Phát triển doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn.

Thiết nghĩ, từ mục tiêu, định hướng trên, dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 đã và đang được Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh này xây dựng sẽ hoạch định những nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu để “khơi thông” các “điểm nghẽn” tồn tại trong giai đoạn 2016 -2020.

Văn Cương – Hoàng Lan