Tổng kết thi hành Luật BHXH và xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng về BHXH

00:00 12/10/2020

Vừa qua, tại Hải Dương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị đánh giá, tổng kết thi hành Luật BHXH và xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về BHXH khu vực phía Bắc.

Xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sau 3 năm triển khai thi hành Luật BHXH 2014, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo, góp phần ổn định xã hội. Các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT luôn đạt và vượt kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Luật BHXH vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Số người tham gia BHXH bắt buộc tuy tăng nhưng còn thấp; tỉ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp, đặc biệt là số người tham gia BHXH tự nguyện thấp hơn nhiều so với tiềm năng; các chính sách hỗ trợ để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện chưa thực sự phát huy hiệu quả; tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT xảy ra phổ biến và chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ; mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chưa thật sự hấp dẫn đối với người tham gia…

Thực hiện nhiệm vụ tổng kết, thi hành Luật BHXH năm 2014, Hội nghị nhằm chia sẻ thông tin, thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước, các nhà quản lý, đại biểu địa phương và đại diện một số doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH.

Trình bày về Kế hoạch tổng kết, thi hành Luật BHXH 2014, xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, cuối năm 2019 sẽ tổng kết thi hành Luật BHXH; Lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật và trình Quốc hội vào tháng 12/2020, Quốc hội thông qua tháng 5/2021; thời gian soạn thảo luật sẽ từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2021; trình Quốc hội cho ý kiến và thảo luận vào năm 2022; trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022.

Qua tổng hợp ban đầu từ báo cáo địa phương, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết có nhiều kiến nghị về phát triển đối tượng, về công tác thu, về giải quyết và chi trả các chế độ; về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;…

Quang cảnh hội nghị

Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hài lòng của người dân và doanh nghiệp 

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ BHXH Trần Hải Nam, tại Nghị quyết số 125-NQ/CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Bộ LĐTB&XH đuợc giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và BHXH Việt Nam xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức thực hiện BHXH, trong đó có xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - chuyên gia về an sinh xã hội cho biết, sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về BHXH. Những yếu tố xác định các chỉ số bao gồm: Tính kịp thời (đánh giá qua việc thực hiện các TTHC và giải quyết chế độ trong khung thời gian đã quy định);  Dễ dàng tiếp cận (được đánh giá qua sự hiểu biết về các chế độ BHXH và cách thức để được tham gia, thụ hưởng các chế độ đó; mức độ cung cấp thông tin và thu thập phản hồi của các bên tham gia về các chế độ); Nhân viên (được đánh giá thông qua các phẩm chất như kiến thức; hiểu biết nhu cầu của người tham gia, thụ hưởng, giải quyết vấn đề; khả năng giải quyết vấn đề; dễ dàng cùng làm việc với các bên); Chất lượng (được đánh giá qua chất lượng phục vụ); Kết quả (được đánh giá qua các kết quả đạt được và đáp ứng các yêu cầu công tác).

Dự kiến, hệ thống chỉ tiêu đo lường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về BHXH sẽ bao gồm: Tiếp cận thông tin về BHXH; chính sách BHXH; thực hiện BHXH (thực hiện trực tiếp tại cơ quan BHXH và giao dịch điện tử); sự phục vụ của cơ quan BHXH. Còn mức độ hài lòng của người dân về BHXH sẽ bao gồm: Tiếp cận thông tin về BHXH; chính sách BHXH; thực hiện TTHC; về phục vụ của cơ quan BHXH.

Cách thức thực hiện: Việc đánh giá mức độ hài lòng của các bên tham gia BHXH và tính toán các chỉ tiêu thường được thực hiện thông qua các khảo sát hàng năm với phiếu khảo sát đối với các nhóm đối tượng liên quan như: doanh nghiệp, người lao động hưởng chế độ hưu trí, người lao động tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, hiện nay toàn ngành BHXH đang phối hợp chặt chẽ để thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Luật BHXH là để thực hiện chính sách an sinh xã hội - chính sách quan trọng hướng đến người dân. Qua quá trình thực hiện nảy sinh những bất cập thì cần phải sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH với mục tiêu cao nhất là hướng tới BHXH toàn dân.

Để đánh giá được sự hài lòng từ phía người tham gia BHXH, BHYT cũng như từ doanh nghiệp, theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu rất cần sự đánh giá chính xác các yếu tố như: Chính sách đã đảm bảo cho người dân chưa; đã cân bằng quyền lợi được cho doanh nghiệp chưa; địa phương đã tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả như thế nào?

Các đại biểu tham gia hội nghị đã thảo luận về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH giai đoạn 2016-2019 và Bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về BHXH. Các đại biểu đề nghị lưu ý nguyên tắc đóng hưởng và nguyên tắc chia sẻ trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; hỗ mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho cơ quan BHXH; sửa đổi nội dung một số chế độ BHXH…

PV