Tỉnh Sơn La: Trải thảm đỏ đón nhà đầu tư trong nước và quốc tế

09:43 29/03/2023

Trong những năm qua, Sơn La đã chú trọng tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để DN khởi nghiệp, ban hành, áp dụng nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy DNNVV phát triển.

Hiện nay Sơn La có gần 20.000 ha cà phê nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến (ảnh: Nguyễn Hồng)
Hiện nay, Sơn La có gần 20.000 ha cà phê nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến (ảnh Nguyễn Hồng).

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 83.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều loại nông sản có giá trị cao. Có gần 19.000 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân hạt gần 30.000 tấn/vụ; có 22.459 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; 281 mã số vùng trồng cho hơn 4.608 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đã có, Sơn La chú trọng thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng đội ngũ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn không ngừng phát triển cả lượng và chất. Nắm 2020, toàn tỉnh có 327 DN thành lập mới, năm 2021 có 270 DN đăng ký thành lập mới và năm 2022, số DN thành lập mới đã tăng lên 280 DN, tăng 14,3% so với năm 2021. Trong tháng 1/2023, toàn tỉnh Sơn La tiếp nhận và sử lý 136 lượt hồ sơ đăng ký DN, trong đó có 65 DN thành lập mới, đưa tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên 3.250 DN với tổng vốn đăng ký 52.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2022, toàn tỉnh có 880 hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động, thành lập mới 122 HTX đạt 114% kế hoạch năm 2022. Đây là hiệu ứng tích cực trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ, phục hồi và phát triển các DN, HTX gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La. Với mục tiêu tạo động lực, nguồn lực hỗ trợ DN, HTX phát, tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng các Đề án “Phát triển doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025” và Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025”. Tổ chức 3 lớp tập huấn hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực quản trị cho các chủ DN; tăng cường công tác hậu kiểm đối với 100 DN sau đăng ký thành lập.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ - Sơn La (nguồn Báo Sơn La).
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ - Sơn La (nguồn Báo Sơn La).

Đặc biệt, trong những năm qua, Sơn La đã chú trọng tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để DN khởi nghiệp, đồng thời ban hành, áp dụng nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy DN vừa và nhỏ phát triển; định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các DN về thủ tục đầu tư, thủ tục cấp phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo mặt bằng sạch “lót tổ” đón nhà đầu tư. Từ những cơ chế thông thoáng đó, Sơn La đã tạo dựng được môi trường kinh doanh hấp dẫn, một “bến đỗ” lý tưởng của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài.

Khu công nghiệp (KCN) Mai Sơn là một điển hình. Khu công nghiệp này có quy mô hơn 150 ha (giai đoạn 1 là 63,7 ha). Hiện nay Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Sơn La đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng diện tích 34,7 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 72,3%). Tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó đã có 5 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN đạt hơn 400 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 11 triệu USD. Một số DN nghiệp như: Dự án tổ hợp nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản Mavin Mai Sơn; Dự án chế biến hoa quả sấy Minh Tiến; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sâu quặng Niken… các DN đầu tư vào KCN Mai Sơn được hưởng chế độ ưu đãi theo chính sách ưu đãi của tỉnh. Ngoài KCN, trên địa bàn huyện Mai Sơn đã có 42 dự án được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký gân 789 tỷ đồng. Hiện nay đã có 20 dự án đã đi vào hoạt động và xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất, như: Nhà máy chế biến cà phê – Công ty Cổ phầnPhúc Sinh- Sơn La; Trung tâm chế biến rau quả Doveco – Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao…

Nhà máy chế biến lâm sản Cty TNHH Thanh Nhung tại KCN Mai Sơn. (nguồn Báo Sơn La).
Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty TNHH Thanh Nhung tại KCN Mai Sơn (nguồn Báo Sơn La).

Với tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, Sơn La được các nhà đầu tư ngành công nghiệp chế biến đặc biệt quan tâm. Ngoài các cơ sở chế biến, nhà máy đã, đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, như cơ sở chế biến chè, cà phê nhân, nhà máy đường, nhà máy tinh bột sắn, trong những năm qua, Sơn La đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, như: Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La, có công suất 5.000 tấn cà phê nhân/vụ; Nhà máy chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu (Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc) tại Mộc Châu; Nhà máy chế biến quả tươi và thảo dược Vân Hồ, công suất 18.000-20.000 chai/giờ; Nhà máy chế biến mủ cao su (Công ty Cổ phần Cao su Sơn La) tại huyện Thuận Châu… Các nhà máy đã thực hiện liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết tiêu thụ sản phẩm. Công ty Cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La đã khảo sát và thấy tiềm năng thế mạnh cà phê ở Sơn La, Công ty đã quyết định đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy và cơ sở hạ tầng khu sản xuất, trong thời gian tới, Cty sẽ mở rộng đầu tư nhà máy tại các huyện có vùng cà phê lớn. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cà phê Phúc Sinh ghi nhận, môi trường đầu tư ở Sơn La thông thoáng.

Với tiềm năng, thế mạnh cộng với những cơ chế chính sách thông thoáng gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường. Đó là tấm thảm sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về với Sơn La.

Nguyễn Hồng