Nhiều đơn đặt hàng mới
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA),trong năm nay thông tin thị trường đang có những tín hiệu tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành xi măng. “Hiện giá xuất khẩu đang tăng tương đối tốt, lượng đơn mua hàng lớn, DN cứ có hàng là bán được”.
Với thị trường trong nước, tiêu thụ xi măng đang ổn định và dự báo tiếp tục tăng trưởng khá khi đầu tư công được đẩy mạnh; người dân và DN thích ứng tốt hơn để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Báo cáo VNCA vừa công bố cho thấy, 2 tháng đầu năm 2021, ngành xi măng xuất bán nhiều xi măng và clinker. Tổng sản lượng xuất khẩu đạt 5,84 triệu tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020, trị giá 214 triệu USD, tăng 6,6%.
Riêng tháng 1/2021, Việt Nam xuất khẩu 3,14 triệu tấn (xi măng 1,38 triệu tấn; clinker 1,76 triệu tấn), tăng 24% so với tháng 1/2020. Sang tháng 2, lượng xuất khẩu đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 96 triệu USD. Xuất khẩu xi măng và clinker chiếm 35% sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong 2 tháng năm 2021.
“Đà tăng của xuất khẩu xi măng, clinker 2 tháng được nối tiếp từ tăng trưởng của năm 2020, năm có sản lượng xuất khẩu kỷ lục từ trước tới nay, đạt hơn 38 triệu tấn, vượt xa 34 triệu tấn của năm 2019, mang về 1,460 tỷ USD”, ông Cung nhấn mạnh.
Tín hiệu tốt từ thị trường cũng đang là tin vui với DN ngành thép. Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, về xuất khẩu, thép Hòa Phát tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia… Đặc biệt, các đối tác Mỹ đã đặt hàng trở lại với khối lượng lớn.
Đầu năm 2021, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn. Sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn hiện đã vượt mốc 100.000 tấn/tháng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng qua, xuất khẩu sắt thép ghi nhận mức tăng chưa từng có, đạt 1,568 triệu tấn, trị giá 1,123 tỷ USD, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Triển vọng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng khá tích cực, tuy nhiên ông Cung vẫn bày tỏ lo ngại, hiện các DN xuất khẩu xi măng đang đứng trước khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao. Do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng buộc DN phải tính toán cẩn trọng hơn để tránh bị thua thiệt. Đây là khó khăn chung của các DN ngành xi măng.
Tương tự, các DN ngành thép cũng đang phải chống chọi với chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, DN xuất khẩu thép còn phải đối mặt với các khó khăn khác. “Một loạt Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nhưng chưa nhiều DN có thể tăng nhanh xuất khẩu sang EU và Anh, bởi đây vẫn là các thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm hàng hóa”, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết.
Số liệu của VSA cho thấy, EVFTA đã đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020, nhưng lượng sắt thép xuất khẩu sang EU vẫn còn khiêm tốn, thậm chí năm 2020 còn sụt giảm 19% so với năm 2019, đạt gần 180 triệu USD. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, hiện xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu và 57,8% kim ngạch, thị trường các nước châu Âu mới chỉ đạt 4,15% tổng lượng xuất khẩu.
Chưa kể, hiện DN ngành thép còn phải đối phó với nhiều vụ điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép.
Trước bối cảnh ấy, nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng đang tích cực đầu tư máy móc để cải tiến sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành… nhằm tiến ra “sân chơi” lớn. Ngoài ra, tìm cách hóa giải khó khăn trong vấn đề vận chuyển hàng hóa nhằm tiết giảm chi phí.
Đình Lợi (t/h)