Theo đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017, vấn đề trọng tâm mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đặt ra là hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh sinh viên (HSSV) khởi nghiệp tại các trường Đại học, Học viện và các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước. Cùng với đó, biên soạn và ban hành bộ tư liệu đào tạo cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV.
Sinh viên Đại học HUTECH dành phần lớn thời gian thực hành tại các xưởng thực hành của nhà trường. Ảnh: TL
Nhiều trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh như: Đại học Bách Khoa, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư phạm kỹ thật,… đã thiết kế các chương trình bổ trợ hoàn thiện hiểu biết cho người học về đầy đủ lộ trình khởi nghiệp từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc chứng minh được giá trị tính khả thi thị trường; cung cấp cho học viên hiểu biết về bức tranh hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp địa phương và trang bị những kỹ năng quan trọng về đào tạo; tư vấn và khai thác các nguồn lực sẵn có để thiết kế ra những hoạt động cho chính đơn vị mình. Các chương trình khởi nghiệp sẽ cung cấp một nền tảng là các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ khởi nghiệp sẵn có để học viên sau khi học có thể tham gia vào ngay để trau dồi các kiến thức, trải nghiệm của mình.
Tuy nhiên, ý kiến đến từ nhiều trường đại học đã đặt ra hiện nay đó là cung cấp cho học viên hiểu biết về môi trường, hệ sinh thái khởi nghiệp như thế nào. Hiện tại phong trào khởi nghiệp trong nhiều nhà trường phần lớn mới chỉ tập trung vào truyền tải đến người học kiến thức và công cụ hỗ trợ quá trình khởi nghiệp, còn phần lớn việc thực hành thử nghiệm trong môi trường thực tế vẫn đang còn hạn chế. Nhiều dự án khởi nghiệp tốt chưa tiếp cận được nguồn vốn đầu tư đến từ các doanh nghiệp bên ngoài. Do đó, trong thời gian tới đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan ban ngành và các tổ chức khác tạo nguồn tài chính để hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.
Từ các ý kiến đề xuất đến của các trường Đại học tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: "Trước khi đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, thì nhiều trường ĐH đã chủ động xây dựng các mô hình khởi nghiệp hoạt động rất tốt và hiệu quả. Tuy vậy, vấn đề cần đặt ra trong phong trào khởi nghiệp cần tránh sự hô hào thiếu hiệu quả, phong trào khởi nghiệp trong HSSV phải đi vào thực chất, phát triển bền vững".
Khởi nghiệp không phải chỉ tạo ra doanh nghiệp mà ngay từ đầu sinh viên phải chủ động tạo ra ý tưởng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. "Muốn làm được điều đó, thì ngay đội ngũ cán bộ giảng viên trong các nhà trường phải thay đổi nhận thức thực hiện đúng vai trò của mình là hỗ trợ HSSV tạo lập việc làm thay vì đi tìm việc làm. Tích cực huy động nguồn lực trong xã hội, thành lập các Quỹ hỗ trợ sinh viên khỏi nghiệp, mạnh dạn hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các ý tưởng dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
Hoàng Tuấn