Xu hướng số hóa đang được chú trọng trên toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực từ quản trị, giáo dục, y tế, đến công nghiệp và thương mại. Các quốc gia đang tích cực triển khai các dịch vụ chính phủ điện tử, nền tảng học trực tuyến, y tế từ xa, và các dự án thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2022, các giải pháp kỹ thuật số có thể giảm 20% lượng khí thải toàn cầu. Do vậy, số hóa thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cần tăng tốc hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Với cách tiếp cận mang tính chuyển đổi kép (Twin transition) này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách có thể vận hành chương trình tích hợp chuyển đổi số và phát triển bền vững nhằm hướng công cụ kỹ thuật số phục vụ quá trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo nền tảng vững chắc hơn cho tổ chức của họ trong tương lai.
Theo GS.TS. Sử Đình Thành – Giám đốc UEH: Chủ đề năm nay, tập trung vào cách tiếp cận chuyển đổi song sinh đại diện cho một số thách thức và cơ hội quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Số hóa có tiềm năng chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, biến đổi khí hậu đòi hỏi các giải pháp cấp bách và bền vững để đảm bảo phúc lợi cho thế hệ tương lai.
Cách tiếp cận chuyển đổi kép bao gồm kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có thể mang lại hiệu quả to lớn cho phát triển bền vững thay vì tiếp cận yếu tố kỹ thuật số và yếu tố bền vững một cách riêng biệt. Chuyển đổi kép có thể tạo ra tác động tích cực nhờ vào xanh hóa công nghệ và cơ sở hạ tầng song hành với việc thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ tổ chức. Trên thực tế, mặc dù một số tổ chức đã nhận thức được tính cấp thiết của quá trình chuyển đổi kép, nhưng nhiều đơn vị vẫn gặp phải khó khăn do thiếu một phương pháp tiếp cận nhất quán, sự phức tạp trong việc triển khai, yêu cầu về trách nhiệm giải trình, hoặc do xung đột giữa các chiến lược ưu tiên.
Trưởng Ban Tổ chức ELG 2024, PGS.TS Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hội thảo quốc tế thường niên ELG 2024 là một sự kiện quan trọng tổ chức hàng năm, không chỉ tạo cơ hội để các chuyên gia gặp gỡ và trao đổi ý tưởng mà còn góp phần đưa ra những giải pháp thiết thực cho tương lai của các nước đang phát triển trong bối cảnh chuyển đổi kép hiện nay. Các bài trình bày đã nêu bật nhiều quan điểm, chuyên môn khác nhau về lĩnh vực biến đổi khí hậu, tính bền vững của môi trường, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Với nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới tham gia, Hội thảo quốc tế thường niên ELG 2024 hy vọng sẽ nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của số hóa và biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế đương đại. Những người tham gia sẽ có được những hiểu biết sâu sắc về học thuật và chính sách đối với quá trình chuyển đổi kép này, đặc biệt là tác động của chúng đối với các nước đang phát triển”.
Hội thảo quốc tế thường niên ELG 2024 đã nhận được sự tham gia của hơn 120 bài viết từ các tác giả đến từ nhiều quốc gia, với các chủ đề đa dạng bao gồm: biến đổi khí hậu, tính bền vững của môi trường, luật pháp và chuyển đổi số. Nội dung các bài thảo luận cũng tập trung vào các khía cạnh như khuôn khổ pháp lý, chính sách kinh tế, đổi mới trong nông nghiệp và thích ứng công nghệ.
Bên cạnh 3 phiên toàn thể, 104 bài được chọn trình bày trong 26 phiên thảo luận song song vào ngày 30 và 31/7/2024. Đặc biệt, có 9 phiên thảo luận dành riêng cho lĩnh vực Luật và Pháp lý nhằm nêu bật vai trò quan trọng của nghiên cứu pháp lý trong bối cảnh chuyển đổi kép.
Những phiên thảo luận song song với các chủ đề quan trọng toàn cầu tại hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu mở rộng kiến thức chuyên môn, chia sẻ và đóng góp các giá trị học thuật. Đồng thời, đây cũng là dịp để thiết lập mối quan hệ với các chuyên gia có cùng sự quan tâm trong lĩnh vực nghiên cứu.
"Qua các buổi hội thảo này chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của những quá trình chuyển đổi này và đã tích hợp chúng vào các chiến lược cốt lõi của mình. Cam kết của chúng tôi đối với quá trình số hóa được phản ánh trong các chương trình giáo dục, sáng kiến nghiên cứu và quản lý trường đại học. Bằng cách tích hợp các công nghệ số vào chương trình giảng dạy, chúng tôi chuẩn bị cho sinh viên phát triển trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Các nỗ lực nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào việc áp dụng các công cụ số để giải quyết các vấn đề thực tế, thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau", GS. TS Sử Đình Thành cho biết thêm.
Các tham luận nổi bật đến từ các giáo sư từ các trường Đại học của Australia, Thụy Điển, Đức… khi đưa ra các vấn đề về AI, tính pháp lý khi sử dụng AI, những chính sách về việc cải cách AI liên quan đến việc điều chỉnh và cập nhật các quy định, và thực tiễn liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng được bàn luận sâu hơn nhằm đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả. Hay các chiến lược có thể bao gồm việc áp dụng các công nghệ thông tin và truyền thông để giải quyết các vấn đề môi trường, khuyến khích sáng tạo trong phát triển bền vững và đẩy mạnh các dự án tái chế và tiết kiệm năng lượng. Hay khả năng phục hồi của các hộ gia đình ở khu vực nông thôn sau hiện tượng biến đổi khí hậu, đồng thời cũng đưa ra các giải pháp ứng biến với giai đoạn số hóa đang ngày càng phổ biến trên thế giới.
Thu Hiền