Theo báo cáo của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường IMARC, một doanh nghiệp quốc tế chuyên về tư vấn và quản lý có trụ sở tại Hoa Kỳ, chỉ riêng trong năm 2024 thị trường mỹ phẩm Halal đã đạt 36,3 tỷ đô-la Mỹ tổng doanh thu toàn cầu.
Với tốc độ tăng trưởng phi mã nhờ vào sự gia tăng dân số nhanh chóng trong cộng đồng người Hồi giáo và sự phát triển của mạng lưới bán lẻ trực tuyến, tổ chức này ước tính doanh thu toàn cầu mà thị trường này có thể đạt được sẽ lên đến 72,3 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2033.
Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được xác định là thị trường lớn nhất tiêu thụ các sản phẩm mỹ phẩm Halal do mật độ dân số theo đạo Hồi tại đây cao nhất thế giới, tập trung vào các quốc gia như Indonesia và Malaysia.
Do đặc trưng của tôn giáo, các tín đồ Hồi giáo chỉ có thể sử dụng các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn Halal, nhờ vậy mà mỹ phẩm Halal có sẵn một lượng khách hàng tiềm năng đông đảo và đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Bên cạnh nhu cầu đến từ những người dân theo đạo Hồi, xu hướng tìm kiếm các sản phẩm mỹ phẩm đảm bảo về chất lượng, thân thiện với môi trường đang ngày một tăng cao trên toàn cầu. Với quy trình giám sát khắt khe, đảm bảo về chất lượng và xuất xứ của sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm, đồng thời coi trọng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, các sản phẩm đạt chuẩn Halal vô hình trung đáp ứng được đa số các nhu cầu nêu trên.
Khi xem xét các nguyên liệu thường được sử dụng để làm mỹ phẩm Halal, không khó để bắt gặp những nguyên liệu tự nhiên quen thuộc mà Việt Nam có thể tự chủ được nguồn cung những loại nguyên liệu này. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt xem xét, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhằm tìm kiếm thị phần cho riêng mình.
Là một trong những nguyên liệu thường xuất hiện trong các sản phẩm làm đẹp, nha đam (hay còn gọi là lô hội) giàu Vitamin C, vitamin A, vitamin E, beta-caroten, axit folic, canxi, magie… cùng chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do. Nhờ vậy, nha đam đem lại những lợi ích sau:
Tăng cường độ ẩm cho da: Nha đam được biết với khả năng cấp ẩm vượt trội. Các sản phẩm có chứa nha đam giúp cấp ẩm sâu, hạn chế tình trạng khô da. Khả năng chống viêm hiệu quả: Nha đam chứa các hợp chất chống viêm như: axit salicylic, chromone C-glucosyl và enzyme bradykinase, một loại kinin huyết tương, giúp giảm sự xuất hiện của mụn trứng cá, làm giảm tình trạng vảy nến và viêm da. Làm mát da, làm dịu da bị ảnh hưởng do cháy nắng. |
Tại Việt Nam, cây nha đam được trồng nhiều nhất tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 350 ha chủ yếu ở các phường Mỹ Bình, Văn Hải, Văn Sơn (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc.
Chứa nhiều axit béo và các vitamin E, K và Sắt, dầu dừa được ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp làm đẹp bao gồm: Tẩy trang, dưỡng tóc/mi và môi, giúp làm mềm da và tẩy tế bào chết, có tính kháng khuẩn…
Theo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây dừa Việt Nam và sản lượng đồng hạng 5 thế giới, năng suất đứng hạng 3 thế giới và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng hạng 4 thế giới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Dừa Châu Á Thái Bình Dương (APCC), tuy diện tích trồng dừa của Việt Nam khoảng 190.000 ha nhưng tiềm năng thu được tương đương với 1,2 triệu ha, đặc biệt dừa được trồng ở tỉnh Bến Tre. Điều này có thể thấy khả năng cung ứng nguyên liệu để tạo ra dầu dừa tại Việt Nam là rất lớn.
Bến Tre là một trong số những vùng có khả năng đáp ứng được nhu cầu về dừa để sản xuất dầu dừa. |
Tinh dầu tràm trà được chiết xuất từ lá cây tràm trà (Melaleuca alternifolia), không có màu hoặc có màu vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng. Cây tràm trà thường được thấy ở vùng đầm lầy ven biển phía Đông Nam Queensland và bờ biển Đông Bắc New South Wales của nước Úc. Tại Việt Nam, tràm trà được trồng thử nghiệm tại một số vùng đất cát ven biển hoặc đất xám trên địa hình trung bình - cao tại một số khu vực phía Bắc Việt Nam và một số khu vực tại Long An.
Các hoạt chất trong tinh dầu tràm trà có khả năng diệt vi khuẩn gây mụn, gây nấm và giảm dị ứng da nên thường được dùng trong các loại mỹ phẩm có khả năng trị mụn.
Tinh dầu tràm trà |
Trong sáp ong có chứa nhiều axit béo; các este, axit amin, vitamin và khoáng chất, giúp chống thấm nước, làm mềm và dưỡng da hiệu quả. Do vậy, sáp ong thường được sử dụng làm son dưỡng, kem dưỡng ẩm. Bên cạnh đó, sáp ong thường không gây kích ứng và dị ứng nên còn được dùng để làm mỹ phẩm lành tính cho những loại da nhạy cảm nhất, phù hợp cho cả phụ nữ có thai và trẻ em.
Tại Việt Nam, sáp ong cùng với mật ong, sữa ong chúa… là những sản phẩm sinh ra trong quá trình nuôi ong. Nuôi ong đem lại thu nhập bền vững - được xem như một nguồn lâm sản ngoài gỗ. Các địa phương có nhiều như Quảng Ngãi, Huế, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An…
Bạc hà hay còn được gọi là bạc hà nam, thuộc họ hoa môi với danh pháp khoa học là Lamiaceae. Bạc hà là cây thân cỏ sống lâu năm. Cây có mùi thơm nhẹ khá dễ chịu, vị hơi cay mát. Cây bạc hà mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở nước ta, điển hình là ở Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Tây), Bắc Cạn, Sơn La.
Tinh dầu bạc hà đã được sử dụng phổ biến trong y học và làm đẹp với nhiều công dụng có lợi đến sức khỏe con người như: kháng khuẩn, kháng nấm và làm sạch (dùng trong dầu gội đầu, kem đánh răng); hạn chế và đào thải mụn ra khỏi cơ thể (dùng trị mụn)…