Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Phú Thọ

06:50 11/11/2022

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp làm giải pháp quan trọng, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ tích cực làm tốt công tác tham mưu về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đồng thời chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua điều tra, đánh giá tình hình cụ thể của từng địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường thông tin tuyên truyền trong việc triển khai, khuyến khích người dân áp dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp để phát triển các sản phẩm chủ lực, truyền thống, có tính cạnh tranh cao của tỉnh.

Nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên, chủ trang trại, gia trại, nông dân, Trung tâm đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về phương pháp khuyến nông, các kỹ thuật chuyên ngành gắn với các mô hình trình diễn, qua đó đã chuyển giao được một số tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Hàng năm, bám sát vào quy hoạch chung của ngành, các chương trình nông nghiệp trọng điểm và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm phối hợp triển khai xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng các KHKT vào sản xuất từ 25 - 35 mô hình trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, khuyến công...

Gần chục năm qua, trong lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp, Trung tâm đã triển khai được 87 mô hình với tổng quy mô gần 1.800ha trên các đối tượng lúa, ngô, chè, cây ăn quả, cây dược liệu... đã khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa, ngô mới, các loại phân bón mới và áp dụng quy trình tưới bón tiên tiến trên cây trồng... Từ các mô hình chuyển giao kỹ thuật như bón phân khép kín trên cây chè, tưới nước tiết kiệm trên cây ăn quả đều cho hiệu quả kinh tế cao và đã có sản phẩm được kết nối người tiêu dùng thông qua hỗ trợ tem nhãn QR truy suất nguồn gốc.

Đồng thời, nhiều mô hình thâm canh tăng vụ, chuyển giao các TBKT mới trong sản xuất rau trái vụ, trồng rau, củ quả che vòm nilon, trong nhà màng, nhà lưới... đã hạn chế được các yếu tố bất lợi của thời tiết, hạn chế rửa trôi phân bón, giảm sâu bệnh, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng hơn so với sản xuất truyền thống.

Cùng với đó, Trung tâm đã tập trung xây dựng mô hình khuyến công, trong đó tập trung xây dựng phần mềm quản lý sản xuất gắn tem QR truy xuất nguồn gốc và kiểm dịch động vật; xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin số hóa nhật ký sản xuất, minh bạch đầu vào, đầu ra. Kết quả đã cấp 168 tài khoản cho hơn 50 đơn vị, tổ chức tham gia, cấp 9.000 tem điện tử kiểm dịch vận chuyển động vật tương ứng 9.000 lô hàng, hỗ trợ 3,4 triệu tem truy xuất nguồn gốc nông sản.

Có thể thấy, việc xây dựng mô hình ứng dụng KHCN theo Nghị quyết 20 thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng dần theo các năm, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Bước đầu hình thành chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo thuận lợi cho người quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng có thể giám sát được toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo sản xuất an toàn, minh bạch.

P.V