Mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho hay, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, mặt hàng có sự tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu là gạo. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Tác động tích cực của Hiệp định EVFTA đã giúp mặt hàng gạo của Việt Nam trở nên có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.
Gạo nhập khẩu vào thị trường Bắc Âu chia ra làm ba loại chính: dùng cho người, làm thức ăn gia súc, và làm nguyên liệu cho chế biến tiếp.
Nhằm đưa hạt gạo Việt Nam chinh phục tốt hơn thị trường Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo, các công ty nhập khẩu đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng và các thông số kỹ thuật an toàn thực phẩm của gạo, cũng như trong việc phân phối cho người tiêu dùng và người bán lại nhỏ hơn.
“Đối với các nhà cung cấp gạo đặc sản, tốt nhất là nên thiết lập quan hệ đối tác vững chắc và tránh buôn bán gạo với số lượng lớn. Các nhà nhập khẩu, nhà xay xát và môi giới gạo có thể hữu ích khi nói đến khối lượng lớn hơn, nhưng việc bán gạo đặc sản cần có một mạng lưới tốt” – Thương vụ khuyến cáo.
Nói về yếu tố quan trọng nhất để gạo Việt chinh phục khu vực thị trường Bắc Âu, Thương vụ nhấn mạnh: “Chất lượng nhất quán là chìa khóa!”. Nếu sản xuất gạo với kích thước hạt cụ thể, mùi thơm hoặc đặc tính khác, cần phải có một quy trình sản xuất đáng tin cậy và được quản lý tốt để đảm bảo mức chất lượng nhất quán. “Hiệp định EVFTA công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý với một số loại gạo của Việt Nam. Gạo ST24, ST25 được giải thưởng gạo ngon thế giới. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu đưa các loại gạo này vào thị trường Bắc Âu với thương hiệu Gạo đặc sản Việt Nam” – Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chỉ rõ.
Là thành viên EU, cơ chế, chính sách đối với nhập khẩu gạo của Thụy Điển và Đan Mạch hoàn toàn theo cơ chế, chính sách của EU. Na Uy mặc dù không phải là thành viên EU nhưng nằm trong Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Do vậy, các qui định về nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Na Uy, cũng như Thụy Điển và Đan Mạch tuân thủ theo các qui định chung của EU về an toàn thực phẩm.
Tất cả các loại thực phẩm, bao gồm gạo, được bán tại Liên minh Châu Âu (EU) phải tuân thủ theo Luật Thực phẩm châu Âu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các qui định về chất phụ gia, chất ô nhiễm, giới hạn đối với mức độ tồn dư thuốc trừ sâu và độc tố nấm phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Các yêu cầu phổ biến nhất liên quan đến chất gây ô nhiễm liên quan đến sự hiện diện của độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật và kim loại nặng. Ngoài ra, nông sản, thực phẩm vào EU phải tuân thủ các qui định liên quan đến bao gói, nhãn mác và nhiều qui định khác.
Doanh nghiệp cần lưu ý
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến gạo. Đồng thời, xem cơ sở pháp lý của Ủy ban châu Âu về ngũ cốc và gạo để biết tổng quan về các văn bản và quy định pháp lý. Kiểm tra các cập nhật quy định bằng cách sử dụng ứng dụng web Appryza của Liên đoàn các nhà xay xát gạo châu Âu (FERM), cung cấp thông tin quy định cập nhật về các thị trường xuất khẩu châu Âu và các thị trường xuất khẩu khác.
Ngoài ra, kiểm tra MRLs đối với thuốc trừ sâu và các chất hoạt động có liên quan đến gạo bằng cách tham khảo cơ sở dữ liệu MRL của EU; tìm kiếm gạo (hoặc mã số 0500060).
Về chính sách thuế: hiện nay, thuế ngoài hạn ngạch EU (trong đó có Thụy Điển và Đan Mạch) áp lên gạo Việt Nam là 175 Euro/tấn với gạo xay xát, 65 Euro/tấn với gạo tấm và 211 Euro/tấn với thóc.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó quy định cụ thể điều kiện đối với các loại gạo được hưởng ưu đãi. Cam kết cụ thể như sau: EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%; Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm; Sản phẩm từ gạo: xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.
Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan.
Về hạn ngạch: EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%.
Các lô hàng gạo đáp ứng quy định hạn ngạch này cần đi kèm giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Về cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo trong Hiệp định EVFTA đầu mối phía EU là đơn vị G.4 (Cây trồng và dầu ô liu) thuộc Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Arable Cops and Olive Oil, DG Agriculture and Rural Development).
Các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ cần xin cấp giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên và phải nộp số tiền bảo đảm là 30 Euro/tấn tại thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép.
Trong trường hợp số lượng đăng ký vượt quá số lượng có sẵn theo TRQ cho giai đoạn, EU sẽ cố định một hệ số phân bổ.
Việc mở và tiếp nhận TRQ đối với gạo có xuất xứ từ Việt Nam được qui định tại Quy định thực thi (EU) 2020/991.
Các lô hàng gạo thơm thuộc diện TRQ khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo TRQ của Hiệp định.
Gạo thơm phải thuộc một trong số các loại sau: Hoa nhài 85; ST 24, ST 25; Nàng Hoa 9; VD 20; RVT; OM 4900; OM 5451.
Gạo nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-served), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.
Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan. Việc cấp hạn ngạch thuế quan thông qua nhiều hình thức. Một số hạn ngạch áp dụng cho tất cả các nước, trong khi một số chỉ dành cho các nước có thoả thuận thương mại song phương hoặc khu vực, một số hạn ngạch ưu đãi thuế dành cho các nước đang phát triển trong chương trình GSP. Hạn ngạch thuế quan cũng có thể được cấp thông qua đấu giá, nộp đơn xin, hoặc theo nguyên tắc ưu tiên những người yêu cầu trước (first come, first served basic).
Bảo Ngân