Trong tháng 5/2025, Bộ Công Thương phải báo cáo Chính phủ về kế hoạch đàm phán, ký kết FTA Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu |
Trao đổi tại buổi gặp gỡ và làm việc với Excelerate, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao thỏa thuận hợp tác của Excelerate Energy với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) ký kết hồi tháng 3/2025 vừa qua tại Hoa Kỳ. Đây là minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng nguồn nhập khẩu từ Hoa Kỳ, hướng tới mục tiêu thương mại cân bằng và hài hòa.
Excelerate Energy hiện cung cấp một loạt các dịch vụ tái hóa khí linh hoạt, từ dự án kho lưu trữ nổi và tái hóa khí thiên nhiên hóa lỏng - FSRU đến việc phát triển cơ sở hạ tầng và cung ứng LNG.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương tại cuộc gặp bà Nancy Ziuzin - Phó chủ tịch Lockheed Martin, ngày 20/5. Ảnh: MOIT |
Bộ Công Thương cho hay, dư địa để Excelerate Energy mở rộng đầu tư, hợp tác vào Việt Nam còn rất lớn. Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp nhằm thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Lockheed Martin, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu dài, tin cậy và hiệu quả giữa Lockheed Martin với ngành viễn thông Việt Nam, thể hiện qua các dự án thành công như dự án vệ tinh VINASAT-1 (2008) và VINASAT-2 (2012).
Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch phóng vệ tinh thế hệ mới vào cuối năm 2026, vì vậy rất mong muốn mở rộng hợp tác về hàng không vũ trụ, phát triển hạ tầng số, tăng cường chủ quyền không gian và năng lực viễn thông quốc gia, tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của Lockheed Martin.
Đại diện Lockheed Martin, bà Nancy Ziuzin - Phó chủ tịch, phụ trách các vấn đề chính phủ quốc tế, phát triển kinh doanh toàn cầu và chiến lược - đánh giá cao tiềm năng và vai trò chiến lược của thị trường Việt Nam, khẳng định cam kết đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam.
Trong cuộc làm việc với Tập đoàn SpaceX, phía tập đoàn cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam thông qua dự án triển khai dịch vụ Internet vệ tinh Starlink.
SpaceX sẽ đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD nhằm cung cấp kết nối internet băng thông rộng trên toàn quốc, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Dự kiến trong giai đoạn đầu, SpaceX sẽ xây dựng từ 10 - 15 trạm mặt đất tại Việt Nam.
Tập đoàn cam kết cung cấp dịch vụ viễn thông hiện đại, ổn định và giá cả hợp lý, giúp nâng cao chất lượng kết nối cho hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt ở những khu vực khó tiếp cận với mạng lưới truyền thống.
Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Google, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam nhấn mạnh, đây là thời cơ quan trọng để thúc đẩy phát triển một chuỗi cung ứng bền vững, cân bằng và an toàn trong khu vực.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Google tích cực phối hợp với các đối tác trong nước nhằm đánh giá khả năng nội địa hóa nguyên vật liệu đầu vào, cũng như mở rộng và đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia trong khu vực. Đồng thời cam kết hỗ trợ Google trong việc kết nối với doanh nghiệp trong nước, cung cấp thông tin và xem xét các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, logistics, thuế nếu Google quyết tâm mở rộng đầu tư hoặc nâng cao năng lực chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Tại các cuộc làm việc, vị Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các Tập đoàn lớn của Mỹ như Excelerate, Lockheed Martin, Space X và Google với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, giúp có ý kiến tới Chính quyền Tổng thống Trump để chuyển tải thông điệp của Việt Nam, đó là: Việc Việt Nam và Hoa Kỳ có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi giúp các công ty Hoa Kỳ đầu tư và kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam. Vì vậy, hợp tác với Việt Nam sẽ mang lại lợi ích chiến lược trong dài hạn và góp phần cải thiện cán cân thương mại theo hướng công bằng, hài hòa, bền vững giữa 2 nước.
Việt Nam cần được đối xử như đối tác thương mại ưu tiên của Hoa Kỳ. Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ cùng Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại hiện nay, sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách D1, D3 hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao. Điều này sẽ góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước cả trong ngắn và dài hạn.