Bình Định: Nâng tầm sản phẩm địa phương trên thương mại điện tử Cần xây dựng "không gian" đưa sản phẩm địa phương OCOP về thành phố |
Sự kiện nhằm tăng cường liên kết vùng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng địa phương.
Còn những thách thức đan xen
Những năm gần đây, các sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc luôn giữ được thị phần, đạt kết quả đáng mừng. Năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 3, song tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
![]() |
Cần có thêm giải pháp để nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc |
Cụ thể, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao nhất cả nước. Một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (13,85%), Phú Thọ (9,53%), Tuyên Quang (9,04%). GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 68-70 triệu đồng/người. Thu ngân sách nhà nước toàn vùng năm 2024 khoảng 89,243 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán trung ương giao),
Trước đó, năm 2023, tổng kim ngạch vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng đạt trên 115,5 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt trên 64,8 tỷ USD, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Những con số nêu trên cho thấy tiềm năng và giá trị kinh tế lớn của vùng, thậm chí còn có thể vươn xa hơn nữa nếu có giải pháp hỗ trợ đúng hướng.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm 8% so với cả nước; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế (23,56% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ; 39% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp; 72% lao động có việc làm, nhưng phi chính thức).
Hạ tầng giao thông kết nối vẫn là điểm nghẽn của vùng, liên kết hợp tác phát triển vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức; chưa tạo ra được chuỗi sản xuất, kinh doanh mang nét đặc trưng của vùng, nhất là trong phát triển du lịch; hệ thống cơ sở dữ liệu vùng chưa được xây dựng…
Tối ưu hóa vận hành gian hàng trên các sàn thương mại điện tử
Để khắc phục hạn chế và thúc đẩy mạnh hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường nhận diện thương hiệu trực tuyến qua website, các mạng xã hội với đầy đủ thông tin, chứng minh năng lực để mở rộng quảng bá thương hiệu của mình đến với đối tác nước ngoài và xây dựng niềm tin.
Chia sẻ tại một hội nghị về xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng trung du và miền núi phía Bắc trước đó, bà Nguyễn Mai Linh – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã từng chia sẻ: Ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban điều phối vùng đóng vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng trung du, miền núi phía Bắc, các tỉnh, thành của vùng.
Ngoài ra, vấn đề đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử cũng được giới chuyên gia khuyến cáo cần được chú trọng, giúp kết nối giữa người mua và người bán một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Cụ thể hóa hoạt động, trong 2 ngày 24 và 25/5/2025, tại tỉnh Lai Châu sẽ diễn ra chuỗi sự kiện thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, với chủ đề: “Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc”. Sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, nhằm tăng cường liên kết vùng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng địa phương.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, điểm nhấn đáng chú ý tại sự kiện lần này là nội dung đào tạo chuyên sâu, gắn với thực hành trực tiếp, giúp học viên (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và thanh niên khởi nghiệp) tiếp cận toàn diện quy trình livestream bán hàng, xây dựng nội dung số, tối ưu hóa vận hành gian hàng và phát triển thị trường trên các sàn thương mại điện tử. Các nội dung đào tạo được xây dựng sát thực tế, phù hợp với điều kiện đặc trưng của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Ngoài ra, còn có phiên Mega Livestream với sự tham gia của các KOL, KOC trong khu vực; lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử và các cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, các hội thảo chuyên đề, lớp tập huấn về chuyển đổi số trong thương mại điện tử còn có sự tham gia của chuyên gia từ Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, thương mại điện tử, các đơn vị đào tạo sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng kinh doanh số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Chuỗi sự kiện còn gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch tiêu biểu của địa phương như: Lễ hội trà Tân Uyên lần thứ II, chương trình tham quan vùng chè, các địa điểm du lịch đặc sắc và các cơ sở chế biến nông sản tiêu biểu…