Tại các văn bản của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, theo đó, định hướng thương mại điện tử là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế số với những mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, phát triển bền vững thu hẹp khoảng cách với các địa phương trong việc ứng dụng TMĐT và chuyển đổi số;
Thứ hai, đẩy mạnh TMĐT đối với hàng Việt;
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại. Cùng với việc hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, thương mại điện tử góp phần tiếp tục phát triển hàng Việt; hỗ trợ được các doanh nghiệp Việt phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng trên cả nước.
Sự hợp tác của các Sàn thương mại điện tử lớn các doanh nghiệp logistic với các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương đã hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bình Định nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung tiếp cận với nền tảng thương mại điện tử một cách bài bản, ứng dụng các giải pháp số nâng cao hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy phân phối sản phẩm trên môi trường trực tuyến uy tín. Đồng thời các doanh nghiệp có thêm cơ hội khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics, tổ chức tài chính hay giải pháp số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm …
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng “Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.”
Thời gian vừa qua, tỉnh Bình Định đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của địa phương. Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2021 (nguồn: VECOM và Cục TMĐT & KTS), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Bình Định hiện đứng thứ 21/63 tỉnh, thành cả nước. Với những lợi thế hiện có, có thể thấy thương mại điện tử của tỉnh Bình Định có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết “Hiện nay, với điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu thích hợp để phát triển, các giống cây trồng như lúa, mai vàng, dừa và nhiều loại rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hay các sản phẩm khác của làng nghề Bàu Đá, Mỹ An, tại Bình Định… là những sản phẩm có chất lượng tốt, có tiềm năng phủ sóng tại các tỉnh thành khác trên cả hai kênh phân phối truyền thống và hiện đại.”
Tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề xuất thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm nông sản của Bình Định qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước.Bên cạnh đó tiếp tục hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, đồng thời mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Lazada chia sẻ “Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia vào kinh doanh trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, các HTX, các hộ gia đình, nông dân của tỉnh Bình Định có thể tiếp cận tập khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh việc phân phối các mặt hàng đặc sản của tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung trên môi trường trực tuyến.”
An Thảo