Nguyên nhân nào khiến giá vải thiều Việt Nam tăng cao kỷ lục? Bắc Giang: Cần sớm khắc phục những “điểm nghẽn” trong vận tải đường sắt |
Niên vụ vải năm 2025 đang bước vào giai đoạn cao điểm với nhiều tín hiệu tích cực từ các vùng trồng chủ lực như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và sâu bệnh được kiểm soát hiệu quả, tổng sản lượng vải cả nước dự kiến đạt khoảng 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), khoảng 60% sản lượng vải sẽ được tiêu thụ trong nước thông qua hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, trong khi 40% còn lại hướng đến xuất khẩu, với hơn 469 mã số vùng trồng đã được cấp cho 20 quốc gia.
Bắc Giang – “thủ phủ” vải thiều của Việt Nam – tiếp tục duy trì diện tích trồng vải ở mức gần 29.700 ha, trong đó 8.000 ha vải sớm và 21.700 ha vải chính vụ. Dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh đạt khoảng 165.000 tấn. Tại huyện Tân Yên, nơi vải chín sớm, tỷ lệ đậu quả đạt trên 85% diện tích, sản lượng tăng khoảng 500 tấn so với năm trước.
![]() |
Vải thiều vào mùa sản lượng tăng, xuất khẩu rộng cửa. |
“Nhờ thời tiết ủng hộ, vải năm nay mã đẹp, độ ngọt cao, không có nấm mốc. Đây là kết quả của việc chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật VietGAP, có sự đồng hành sát sao từ cán bộ khuyến nông,” ông Bùi Hồng Khoa, nông dân tại huyện Tân Yên chia sẻ.
Đặc biệt, vùng vải Tân Yên năm nay có thêm 3 mã vùng trồng đạt chuẩn để xuất khẩu sang Hoa Kỳ – một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Chính quyền địa phương cho biết, việc người dân tham gia hợp tác xã và sản xuất theo quy trình thống nhất trong từng mã vùng đã tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường quốc tế.
Không chỉ Bắc Giang, nhiều vùng trồng khác như Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk... cũng bước vào vụ thu hoạch với năng suất cao. Cục Trồng trọt khẳng định, toàn ngành đã và đang kiểm soát tốt dịch hại, đồng thời tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nhằm bảo đảm chất lượng quả.
Các vùng trồng vải đang được quy hoạch và giám sát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Việc này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của trái vải Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang – ông Lê Bá Thành – nhấn mạnh: “Từ người trồng, cơ sở đóng gói đến doanh nghiệp xuất khẩu đều phải nắm vững pháp luật và quy định kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ, nhất quán trong toàn chuỗi sản xuất – tiêu thụ”.
Thời điểm hiện tại, bà con nông dân đang gấp rút thực hiện các khâu chăm sóc cuối cùng như làm sạch cỏ, bón phân lần cuối để nuôi quả và tạo mã. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục cuống – loại gây hại nghiêm trọng trong giai đoạn quả sắp chín.
Cùng với đó, việc ứng phó với nắng nóng và biến đổi thời tiết cũng đang được nông dân chủ động thực hiện. Nhiều hộ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phủ gốc bằng vật liệu hữu cơ để giữ ẩm và bảo vệ cây trong giai đoạn quan trọng.
Với sự chuẩn bị bài bản từ khâu sản xuất, chăm sóc đến tiêu chuẩn hóa vùng trồng, ngành trồng vải kỳ vọng niên vụ 2025 sẽ thắng lợi toàn diện cả về năng suất lẫn chất lượng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ nay đến cuối vụ, các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu và đối tác nước ngoài để thúc đẩy tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường, đồng thời bảo đảm lợi ích kinh tế cho người trồng vải.
Niên vụ vải thiều 2025 không chỉ là mùa bội thu về sản lượng mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hóa ngành hàng, chuẩn hóa chất lượng và nâng cao vị thế trái cây Việt trên thị trường quốc tế.