Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số trên nền tảng TMĐT

10:27 30/11/2020

Chuyển đổi số trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) giúp doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận các thị trường lớn một cách rõ ràng. Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Chất xúc tác cho doanh nghiệp

Năm 2020, thế giới và Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức từ các chuyển động, biến động toàn cầu; trong đó tác động của dịch Covid-19 đã chứng minh chuyển đổi số trên nền tảng TMĐT là điều kiện tất yếu, giúp DN đứng vững và phát triển.

Nếu doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới, thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại Hội thảo "Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số thành công trên nền tảng thương mại điện tử" đã cho biết:Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố thì nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm 2019 và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 41%. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019.

Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại Hội thảo
Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại Hội thảo "Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số thành công trên nền tảng thương mại điện tử".

"Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu" - ông Nguyễn Thế Quang nhấn mạnh.

Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam (B2C) tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20%-30%/năm, doanh thu thương mại điện tử B2C của Việt Nam 2019 đạt 10,08 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến đặt 225 USD/người/năm (cao nhất trong khu vực).

"Hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của chúng ta" - ông Nguyễn Thế Quang cho hay.

Nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực ASEAN với hơn 40%/ năm (Theo e-conomy Southeast Asia 2019). Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 (theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019)

 Chia sẻ thêm về cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Đại dịch Covid-19 là một cơ hội tốt để thay đổi tư duy của người sản xuất, tiêu dùng và những người đang làm các nền tảng cho thương mại điện tử. Các dự án startup trong lĩnh vực này đã tăng lên rất nhiều trong thời qua nhưng cũng gặp phải thách thức rất lớn, cạnh tranh với các “đại gia” đi trước trong sân chơi toàn cầu. Do đó, cần huyến khích tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo ông Phạm Hồng Quất: Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… là ba hành lang pháp lý thể hiện rất rõ nhận thức về vai trò quan trọng của thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ góc độ doanh nghiệp,  ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki cho biết, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để kinh doanh thành công trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, doanh nghiệp có thể không mất phí xây dựng và vận hành; giảm chi phí marketing, nhờ tiếp cận trực tiếp với tập khách hàng lớn; giảm chi phí đầu tư nhân sự; tăng chất lượng dịch vụ.

"Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử cung cấp đa dạng mô hình vận hành, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc quản lý tồn kho và cung ứng sản phẩm cũng như thủ tục lên sàn đơn giản, nộp hồ sơ và duyệt trực tuyến" - ông Ngô Hoàng Gia Khánh nói.

Qua các thống kê, ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Global Selling Amazon Việt Nam cũng đưa ra con số rất ấn tượng về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong năm nay sẽ vượt 6 lần so với bán hàng truyền thống. Đặc biệt, dự báo quy mô thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ vượt quá 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới.

“Trong đại dịch, các kênh bán hàng trực tuyến là phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. Việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn" - ông Trần Xuân Thủy nhận định.

Một báo cáo gần đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chỉ ra, đại dịch COVID-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự vào cuộc tích cực

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam bao gồm doanh thu tất cả hàng hóa, dịch vụ bán qua kênh Thương mại điện tử liên tục tăng trong 5 năm qua. Nếu như 2015 số người tham gia mua sắm trực tuyến chỉ khoảng 30,3 triệu người thì 5 năm sau (tức là năm 2019) đã có 44,8 triệu người tham gia. Cùng với đó, giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng có thay đổi nhanh chóng, từ 160 USD vào năm 2015 tăng lên 225 USD vào 2019.

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2020-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/202, TMĐT được xác định rõ là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh. Theo kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMĐT B2C, tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến tăng 25%/năm, đjat 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ xác định TMĐT là nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; góp phần hện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, DN là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng TMĐT, nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho TMĐT phát triển. Việc phát triển TMĐT, kinh tế số được thực hiện theo mô hình lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực/ địa phương, để tạo sự dẫn dắt, lan tỏa trong xã hội

LyLy