Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp thúc đẩy tăng trưởng, ổn định Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Muốn tăng trưởng phải đầu tư, muốn đầu tư phải có vốn |
Sáng ngày 21/2 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ tổ chức Hội nghị Chính phủ với địa phương và triển khai Nghị quyết tăng trưởng kinh tế trên 8%.
Tại Hội nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Ngành ngân hàng quyết tâm cao quán triệt tinh thần tăng trưởng tăng tốc bức phá, làm thế nào để góp phần đạt được tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên để tạo đà cho phát triển kinh tế cao trong những năm sau”.
Theo bà Hồng, bối cảnh tình hình quốc tế năm 2025, cho thấy diễn biến kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục khó lường với độ mở cửa lớn của nền kinh tế. Những căng thẳng, thay đổi về chính sách thương mại sẽ tiếp tục tạo nhiều áp lực cho thị trường tài chính. Chính sách tiền tệ, tỉ giá của các ngân hàng trung ương trên thế giới và của NHNN Việt Nam sẽ chịu rất nhiều áp lực.
Ở trong nước, dù tình hình đã cải thiện nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo lãnh dạo NHNN, với mục tiêu tăng trưởng bứt phá và cân đối vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ. NHNN quán triệt chủ trương và hành động chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Bà Hồng cho biết: "Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế".
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng trưởng tín dụng linh hoạt trước lạm phát 5%. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Theo Thống đốc NHNN, năm 2025, NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động.
NHNN cũng căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5-5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Theo bà Hồng, để ổn định lãi suất và tỷ giá, một trong các nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, kết hợp tổng thể các giải pháp điều hành về vấn đề tỷ giá.
Bà Hồng kiến nghị để tín dụng có thể tăng trưởng như chỉ tiêu đề ra và có thể điều chỉnh, thì tất cả các giải pháp như hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, bảo lãnh DN vừa và nhỏ vay vốn cần phải thúc đẩy hiệu quả hơn.
"Dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay 3,48 triệu tỷ đồng nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, sẽ lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng", bà cho hay.
Với vấn đề tỷ giá, hiện nay tỷ giá đang chịu áp lực, kể cả chính quyền Trump mới có chính sách về thuế hay vấn đề thao túng tiền tệ. Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành cần có giải pháp để hài hòa hóa thương mại với các đối tác lớn để làm sao chúng ta không vào danh sách chịu áp thuế.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Quốc hội vừa thông qua tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có nội dung, cho phép tính các chi tiêu nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo của DN được trừ vào chi phí tính thuế thay vì trước đây chỉ cho DN trích quỹ tối đa 10% lợi nhuận sau thuế (con số này nhỏ hơn nhiều tổng doanh thu của DN).
Ông Duy cho rằng, với cơ chế mới, DN có thể đầu tư nghiên cứu phát triển 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này, hỗ trợ tốt khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng công nghệ doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong Nghị quyết Quốc hội thông qua cho phép các kết quả nghiên cứu các Viện nghiên cứu trường đại học thuộc sở hữu, được triển khai thương mại hóa ngay, không phải lập kế hoạch xin cấp trên.