Cũng giống như tất cả các thương hiệu smartphone khác, dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho Apple. Một loạt các nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa trong một thời gian dài, các cửa hàng Apple Store tại Trung Quốc và trên thế giới thay phiên nhau đóng cửa, lịch ra mắt "iPhone 9" có thể đã bị đẩy lùi và các nhân viên tại trụ sở chính (California) cũng đã được khuyến cáo làm việc tại nhà.
Nhưng so với các đối thủ khác, Apple vẫn còn khá may mắn. Và đây là 3 điều may mắn giúp của nhà Táo trong mùa dịch:
1. Đã hết "mùa iPhone"
Khi nCovid-19 bùng nổ vào đầu năm, Apple cũng đã kịp khép lại quý kinh doanh đầy thành công của iPhone 11.
Ít người nhớ được rằng trong những năm đầu tiên iPhone thường được vén màn vào tháng 6 chứ không phải tháng 9 như hiện nay. Lý do Tim Cook thay đổi lịch ra mắt này ngay sau khi lên tiếp quản vị trí CEO là cực kỳ khôn ngoan: iPhone vén màn tháng 9 sẽ giữ được sức hút lớn hơn trong quý 4, vốn là mùa mua sắm lớn nhất tại gần như tất cả các thị trường trên toàn cầu.
iPhone 11 không phải là ngoại lệ. Quý 4 vừa qua, thế hệ iPhone mới nhất đã mang về cho Apple tới 56 tỷ USD, tức là còn cao hơn cả tổng doanh thu tất cả các mảng kinh doanh của Samsung trong cùng một quý. Tính trên phương diện doanh thu và lợi nhuận, Apple đè bẹp tất cả các đối thủ Android.
Theo các nhà dịch tễ học dịch bệnh tại Mỹ, dịch Covid-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh vào tháng 4 sắp tới; Italy và Tây Ban Nha cũng đang tiến đến thời điểm này. Dịch bệnh tại Trung Quốc đạt đỉnh vào quý 1. Năm ngoái, Q1 và Q2 cũng là hai quý có doanh số iPhone thấp nhất trong cả năm.
Vén màn đầu bảng trong 3 tháng đầu năm, các thương hiệu Android đã phải "lãnh trọn" ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Bởi thế, Apple tuy rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì Covid-19 nhưng cũng không thể bị ảnh hưởng nặng như các đối thủ cạnh tranh. Theo số liệu từ Strategy Analytics, smartphone xuất xưởng trên toàn cầu suy giảm tới 40% trong tháng 2 vừa qua, cho thấy hiệu ứng kinh hoàng của Covid-19 lên ngành công nghiệp di động. Với Apple, hiệu ứng này chỉ xảy ra vào một quý kinh doanh kém quan trọng, còn với các nhà sản xuất Android, Covid-19 đã xảy đến đúng vào mùa trọng điểm: Galaxy S20 của Samsung, Mi 10 của Xiaomi, P40 Pro của Huawei và Find X2 của OPPO đều ra mắt trong mùa dịch.
Những tháng đầu ra mắt bao giờ cũng là những tháng bán chạy nhất. Nói cách khác, các dòng Android đầu bảng đã bị Covid-19 cướp đi mùa kinh doanh phát đạt nhất. Con số rò rỉ từ Hàn Quốc cho biết doanh số các mẫu Galaxy S20 chỉ đạt 60% so với S10, và nếu ông vua Android cao cấp đã bị ảnh hưởng nặng tới vậy, rõ ràng các hãng Trung Quốc cũng không thể trông chờ vào một tương lai quá tươi sáng cho các dòng đầu bảng 2020 của mình.
2. Dịch vụ chắc chắn sẽ lên ngôi
Có thể nói rằng năm tài chính 2019 không phải là năm của iPhone, mà là của các dịch vụ Internet. Khi doanh số iPhone XS gây thất vọng, dịch vụ trở thành cứu cánh của Apple khi tăng trưởng mạnh để bù đắp cho iPhone. Bước vào năm tài chính 2020 (quý 4/2019), dịch vụ đã vượt mặt tất cả các các mảng phần cứng trừ iPhone, thậm chí còn cao ngang ngửa cả Mac và iPad cộng lại.
Trong mùa dịch, Apple là thương hiệu smartphone duy nhất có sẵn một hệ sinh thái dịch vụ để đón đầu nhu cầu người dùng.
Khi người dân các nước được khuyến cáo cách ly xã hội, nhu cầu dành cho các dịch vụ Internet hiển nhiên sẽ gia tăng. YouTube và Netflix đều đã phải công bố giảm độ phân giải để đáp ứng được nhu cầu giải trí mùa cách ly. Nhiều bộ phim đình đám được đẩy nhanh ngày phát hành qua mạng. Không khó để nhận ra, chắc chắn nhu cầu dành cho Apple TV+, Apple Music hay Apple News+ cũng sẽ sớm gia tăng.
Điều đáng nói là, trừ Google - vốn LÀ một công ty dịch vụ, không một nhà sản xuất Android nào có mảng dịch vụ Internet đình đám như Apple. Ngay cả Xiaomi vốn đã luôn tự khoe là "công ty Internet" cũng chỉ có 9% doanh thu (750 triệu USD, tức 1/16 của Apple trong cùng quý 3/19) đến từ ứng dụng và dịch vụ mạng. Huawei, OPPO, Vivo, Samsung… thậm chí còn chưa một lần "khoe' doanh số dịch vụ như Xiaomi. Bởi vậy nên, trong thời điểm cách ly xã hội, chỉ có một nhà sản xuất smartphone duy nhất có thể dùng doanh thu dịch vụ để bù đắp cho doanh thu phần cứng: Apple.
3. Cơ hội dành cho iPad
Xu thế cách ly và làm việc tại nhà có thể tạo thành đòn bẩy cho thị trường tablet, nơi Apple đang dẫn đầu về thị phần.
Lý do iPad gây ra một "cơn địa chấn" khi ra mắt vào 10 năm trước là nhờ vào tầm nhìn đúng đắn của Steve Jobs: người dùng tại nhà không cần đến một thiết bị phức tạp như PC. Thay cho những chiếc laptop cồng kềnh và bất tiện, một chiếc tablet nhỏ gọn là vừa đủ cho những nhu cầu lướt web, giải trí và làm các công việc văn phòng không đòi hỏi sức mạnh tính toán quá lớn.
Khi càng có nhiều người phải làm việc tại nhà hoặc cách ly xã hội, chắc chắn nhu cầu dành cho những chiếc máy tính bảng sẽ gia tăng, và Apple sẽ ở vị trí thuận lợi nhất để tận dụng trào lưu này: đến hết 2019, iPad vẫn độc chiếm vị trí số 1 trên thị trường tablet toàn cầu.
Theo CL