![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 21/2: Cà phê và ca cao giảm mạnh, đường tiếp tục tăng lên đỉnh hai tháng |
Giá hợp đồng tương lai cà phê Arabica trên sàn ICE giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Năm, khi các nhà rang xay tạm ngừng mua vào sau giai đoạn tích trữ trước đó, trong khi giới đầu cơ tranh thủ chốt lời. Arabica (KC2!) mất 22 xu, tương đương 5,3%, còn 3,899 USD/pound, giảm so với mức đỉnh kỷ lục 4,2995 USD/pound của tuần trước.
Theo giới phân tích, dữ liệu thị trường cho thấy các nhà rang xay đã hoàn thành phần lớn kế hoạch tích trữ, khiến nhu cầu mua mới suy yếu. Đồng thời, các nhà đầu cơ giá lên cũng bắt đầu giảm vị thế, hạn chế rủi ro trong bối cảnh thị trường liên tục biến động.
Vicente Zotti, chuyên gia tại Pine Agronegocios, nhận định: "Tôi cho rằng các quỹ đầu tư sẽ cắt giảm khoảng 6.000 hợp đồng khỏi vị thế mua dài hạn của họ."
Tuy nhiên, áp lực giảm giá của Arabica có thể bị hạn chế do triển vọng vụ mùa 2025/26 kém khả quan tại Brazil. Một số dự báo mới nhất cho thấy sản lượng cà phê của nước này có thể giảm 8%, chỉ đạt 59,75 triệu bao.
Ở phân khúc Robusta, giá hợp đồng tương lai (RC2!) giảm 1,6%, xuống còn 5.655 USD/tấn.
Hợp đồng ca cao New York (CC2!) mất 133 USD, tương đương 1,3%, xuống còn 10.267 USD/tấn, trong khi ca cao London (C2!) giảm 1,9%, còn 8.023 GBP/tấn.
Theo nguồn tin thị trường, chính phủ Bờ Biển Ngà dự kiến tổ chức cuộc họp với các nhà xuất khẩu trong vòng 10 ngày tới nhằm kiểm soát việc chuyển khoảng 130.000 tấn hợp đồng từ vụ chính sang giữa vụ hoặc vụ sau.
Ngoài ra, lượng dự trữ ca cao tại các kho của ICE đã bắt đầu gia tăng, làm giảm bớt lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung. Rabobank nhận định: "Ca cao vẫn là thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố thời tiết và đầu cơ. Khi giới đầu tư dần rút khỏi vị thế mua, thị trường sẽ tập trung theo dõi lượng mưa sắp tới tại Tây Phi
Giá đường thô (SB1!) tiếp tục tăng 0,36 cent, tương đương 1,7%, lên 21,05 cent/pound, đánh dấu mức cao nhất trong hai tháng.
Rabobank cho biết, các quỹ đầu cơ đang duy trì lượng bán khống lớn, khiến bất kỳ gián đoạn nào về nguồn cung, chẳng hạn như thời tiết khô hạn ở Brazil đều có thể thúc đẩy động thái mua bù thiếu, đẩy giá đường đi lên.
Bên cạnh đó, triển vọng sản xuất giảm tại Ấn Độ cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường. Cùng xu hướng này, đường trắng (SF1!) tăng 1,4%, đạt 555,40 USD/tấn.