Thị trường Anh chào đón mặt hàng nội thất bằng gỗ Việt trong 2022

21:17 08/01/2022

Anh Quốc - quốc gia nổi tiếng về mức sống và độ khó tính của người tiêu dùng đang có những tín hiệu tích cực về nhu cầu nhập khẩu mặt hàng nội thất bằng gỗ Việt Nam trong 2022.

Nội thất gỗ tại Anh

Nội thất gỗ tại Anh. (Ảnh: British GQ)

Theo số liệu tổng hợp, trong 10 tháng năm 2021,  Anh đã nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Việt Nam đạt 303,7 triệu USD, tăng 35,7%, chiếm 7,5% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh. Có nhiều thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ vào thị trường Anh. Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trong giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt trung bình 5,17 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân 2,7%/năm. Trong cùng kỳ, trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Anh đạt 4,03 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh vẫn tăng mạnh.  

Anh nhập khẩu chủ yếu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn; ghế khung gỗ, đồ nội thất nhà bếp. Có nhiều thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ vào thị trường Anh. Trước hết là nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh tại Anh ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh từ Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ; sau Brexit, quan hệ giao thương mới giữa Anh và EU không còn thuận lợi như trong một thị trường chung, do đó các doanh nghiệp Anh chủ động tìm các nguồn cung ứng mới và thị trường mới, trong đó có Việt Nam.

Giới chuyên môn cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu sang Anh, trong năm 2022 các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện tính chuyên nghiệp và thiện chí hợp tác khi tiếp cận các nhà phân phối tại Anh. Yếu tố mềm này rất hữu ích trong việc tạo dựng sự tin tưởng và thiết lập nền tảng cho mối quan hệ lâu dài trong tương lai. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đầu tư cho phát triển bền vững để chuyển mình từ phân khúc thị trường cấp thấp lên phân khúc thị trường cấp cao trong tương lai.

Đặc biệt, tiếp thị và bán hàng có lẽ là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chi phí marketing ở Anh khá cao cho dù đó là quảng cáo trên truyền hình hay tài trợ thể thao hay PR của người nổi tiếng. Để giải quyết được thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư thỏa đáng cho marketing và thuê chuyên gia bản địa có trình độ cao xây dựng chiến lược tiếp thị cùng thông điệp truyền tải sáng tạo hấp dẫn người tiêu dùng công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) để sản phẩm đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng cũng cần phải do chuyên gia bản địa thực hiện mới có kết quả đúng và trúng mục tiêu.

Phương Phương