Âm nhạc trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh
Trong khi các chương trình biểu diễn trực tiếp bị đóng băng khắp toàn cầu, thì âm nhạc dịch chuyển cơ cấu sang mảng trực tuyến. Xu hướng trực tuyến từ trước đại dịch đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng năm 2021 thì có những chỉ số nhảy vọt. Theo thống kê, doanh thu đăng ký trả phí để hưởng thụ âm nhạc của người nghe toàn thế giới năm qua tăng với mức 18,5%, con số ấn tượng để “cứu” ngành công nghiệp âm nhạc, khiến cho doanh thu của ngành công nghiệp này vẫn có chỉ số tăng trưởng tốt mặc dù các show diễn của nghệ sĩ khắp nơi giảm đi. Vào cuối năm 2021, số lượng người đăng ký nghe nhạc toàn cầu từ các nền tảng trực tuyến đã đạt đến con số xấp xỉ 1 tỷ, thực sự là một thị trường màu mỡ để các nhà sản xuất, các nghệ sĩ khai thác. Tại các nước có nền âm nhạc phát triển mạnh như Mỹ, Anh, nổi lên một xu hướng là nghệ sĩ bán một lần gia tài âm nhạc của mình cho các hãng thu âm, để các hãng này toàn quyền làm ăn, thu tác quyền trên các nền tảng trực tuyến. Chẳng hạn, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng Bob Dylan đã bán bản quyền toàn bộ các ca khúc do ông sáng tác cho Universal Music Publishing Group, với mức giá hơn 300 triệu USD. Nghệ sĩ Neil Young cũng bán một nửa số tác phẩm của ông sở cho tập đoàn Hipgnosis Song Fund (Anh) với giá 150 triệu USD. Stevie Nicks thì bán phần lớn tác phẩm của cô cho công ty Primary Wave, Imagine Dragons cũng bán bản quyền tác phẩm mà họ sở hữu cho công ty Concord Music Publishing. Các công ty chuyên mua bản quyền tác phẩm âm nhạc mọc lên nhiều hơn, việc mua bán bản quyền tác phẩm của nghệ sĩ lớn trên thế giới vì thế cũng sôi động hơn. Ví dụ, công ty Hipgnosis Songs Fund cho biết đã bỏ ra khoảng 670 triệu USD để sở hữu hơn 44.000 nhạc phẩm của các nghệ sĩ tên tuổi…Giới chuyên môn nhận định, khi thị trường âm nhạc ngày cảng mở rộng theo hướng trực tuyến và số hóa thì số lượng nghệ sĩ bán bản quyền tác phẩm cho các công ty chuyên kinh doanh tác phẩm sẽ ngày càng nhiều, vì điều này mang về cho nghệ sĩ một khoản tiền lớn ngay lập tức, quyền lợi của họ được nhìn nhận công bằng hơn và âm nhạc của họ cũng sẽ có cơ hội đến với khán giả nhiều hơn nhờ vào các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bỏ qua câu chuyện bán bản quyền trọn đời của những tên tuổi nghệ sĩ lớn, việc phát hành sản phẩm mới của các nghệ sĩ ở mọi nền âm nhạc trong năm qua phần lớn cũng vẫn là trên các nền tảng số. Các nền tảng như Spotify, YouTube, Pandora, Shazam, iTunes…luôn được nghệ sĩ tin cậy phát hành sản phẩm mới.
Tại thị trường Việt Nam, tình hình dịch bệnh căng thẳng gần như suốt cả năm cũng khiến cho các nghệ sĩ phải chịu cảnh “ngủ đông”, nhiều sản phẩm đã đầu tư, đã truyền thông rình rang trước đó cũng phải “ém” lại chờ thời điểm phù hợp. Nhiều show diễn lớn được chờ đợi của các ngôi sao hạng A phải hủy. Chẳng hạn như Mỹ Tâm hoãn show diễn Tri Âm dự kiến đầu Tháng 5 tại hà Nội, Quang Hà bỏ 11 tỷ đồng đầu tư chương trình mang tên “Hà Show” hồi giữa năm, Sơn Tùng, Jack liên tục dời lịch phát hành album. Trong suốt năm 2021, phần nhiều các sản phẩm của nghệ sĩ trong nước phát hành trực tuyến, với các lyrics video thực hiện khá đơn giản do không có điều kiện quay tại các địa điểm cầu kỳ. Tổ chức show online hay biểu diễn qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội được xem như cách cầm cự của nhiều nghệ sĩ, vừa để đỡ nhớ nghề vừa để công chúng không quên mình. Trong xu hướng sinh hoạt âm nhạc trực tuyến đó, những cái tên nổi bật năm 2021 vẫn khá quen thuộc. Nam rapper Đen Vâu trình chiếu liveshow kỉ niệm 10 năm đi hát - Show Của Đen trên nền tảng Netflix và YouTube và được khán giả đặc biệt yêu mến. Đen Vâu và Sơn Tùng M-TP là 2 nghệ sĩ đứng đầu bảng xếp hạng các nghệ sĩ có lượt nghe nhiều nhất trên nền tảng Spotify Việt Nam trong năm. Điểm sáng đáng tự hào là bài hát “Chúng ta của hiện tại” của Sơn Tùng M-TP thậm chí còn vượt mặt nhóm BTS nổi tiếng của Kpop để giành ngôi vị ca khúc được nghe nhiều nhất trong năm của nền tảng Sportify phạm vi toàn cầu. Trong bảng xếp hạng của thế giới trên nền tảng trực tuyến, còn phải kể tên nữ nghệ sĩ trẻ duy nhất của Việt Nam lọt top album có nhiều người nghe với đĩa đầu tay dreAMEE.
Năm 2021 trên các nền tảng trực tuyến rất ít sự xuất hiện của các nghệ sĩ lớn, những tên tuổi bền vững trong lòng công chúng bấy lâu. Sân chơi phần lớn vẫn là dành cho nghệ sĩ trẻ. Các sản phẩm mới chủ yếu là của nghệ sĩ trẻ và vì thế thành công trong năm cũng gọi tên những người trẻ tuổi. Những MV phòng thu phát hành trực tuyến phần đa của nghệ sĩ trẻ, ngoài Sơn Tùng M-TP và Đen Vâu còn có Vũ kết hợp cùng Lukas Graham trong “Performance Video - Happy For You” của thu hút hơn 12 triệu lượt xem sau ba tháng, Bảo Anh với “Mood Show” - cover những ca khúc nữ ca sĩ yêu thích, Nal Phi Hồ với “Rồi tới luôn”, Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi với “Chỉ là không cùng nhau”, Hứa Kim Tuyền, Hoàng Duyên với “Sài Gòn đau lòng quá”, Erik, Phương Mỹ Chi với “Nam Quốc sơn hà”, Soobin với “Playah”, DatKaa với “Hạ còn vương nắng”, Hương Ly, Jombie với “Khuê mộc lang”….Những người trẻ thực sự đã mang một luồng gió mới đến cho đời sống âm nhạc vốn đang ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bức tranh âm nhạc năm 2021 cần nhắc đến một mảng màu quan trọng, là rap Việt. Sự xuất hiện của các chương trình truyền hình đầu tiên về rap Việt chiếm sóng giờ vàng là “King of rap” và “Rap Việt” đã làm sáng những gương mặt rapper cá tính, độc đáo như Binz, JustaTee, BigDaddy, Suboi, Đen Vâu, Dế Choắt…Rap của năm 2021 đã không còn là dòng chảy phụ như trước đó, mà trở thành dòng chảy chính của thị trường âm nhạc bằng một số MV của các rapper thu hút từ vài triệu đến vài chục triệu lượt xem trên các nền tảng trực tuyến. Một lần nữa Đen Vâu lại làm mưa làm gió với các MV Rap như “Đi về nhà”, “Mang tiền về cho mẹ”…Những bản Rap gây xúc động còn có “Tía má em”, “Ước mơ của mẹ” (TDO Kwan), “Chỉ còn là hồi ức” (Nul), “Người cha câm” (Hydra). Đáng chú ý là nhiều câu Rap đã trở thành câu nói quen thuộc trong đời sống giới trẻ, truyền năng lượng và cảm hứng sống cho mọi người. Không còn nghi ngờ gì nữa, Rap đã có một sức ảnh hưởng sâu rộng trong thị trường nhạc Việt năm 2021.
Âm nhạc "chữa lành"
Năm 2021 với những mất mát lớn của thế giới vì dịch bệnh, âm nhạc còn được xem như một liều thuốc chữa lành hiệu quả cho mọi người. Khắp thế giới, những show diễn gián tiếp trên mạng xã hội mang yêu thương sẻ chia đến các bệnh nhân COVID-19 cũng như những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được thực hiện. Lan tỏa nhất phải kể đến các buổi hòa nhạc trực tuyến xuyên quốc gia từ ý tưởng các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới như Chris Martin của Coldplay, Death Cab, Pink, Keith Urban và Diplo...thu hút hàng triệu người xem. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn đã tham gia vào các buổi hòa nhạc, cùng sử dụng hashtag #TogetherAtHome kêu gọi tinh thần đoàn kết của cộng đồng gây một sự xúc động mạnh mẽ..
Trong nước, nhìn ở góc độ dùng âm nhạc cổ vũ tinh thần chống dịch, nhiều nghệ sĩ đã tích cực tham gia với nhiều hình thức khác nhau như giao lưu, hát cùng khán giả qua livestreams, tổ chức mini show trực tuyến đóng góp cho các quỹ chống dịch. Một số nghệ sĩ sẵn sàng đến với tâm dịch, biểu diễn động viên tinh thần cho các bệnh nhân và các lực lượng tuyến đầu. Năm 2021 nở rộ các MV ca nhạc với chủ đề chống dịch. Sau ca khúc “Ghen-Covy” nổi tiếng, có hàng trăm sản phẩm âm nhạc được các nghệ sĩ thực hiện về chủ đề phòng chống Covid 19, tiêu biểu có thể kể tên như “Chung tay Việt Nam”, “Người chiến sĩ ngành Y”, “Chiến sĩ tuyến đầu chống dịch”, “Nếu anh không về”, “Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay”, “Lời ru tuyến đầu”, “Tan biến đi vi rút corona”, “Tôi yêu Việt Nam”, “Rừng”…
Hội nhạc sĩ Việt Nam cũng đã tổ chức các đợt sáng tác ca khúc chủ đề phòng, chống dịch. Đợt đầu nhận được hơn 200 tác phẩm, sau đó lựa chọn 100 ca khúc để xuất bản thành một tuyển tập với tên gọi “Niềm tin”, cùng với đó Hội cũng xây dựng chương trình nghệ thuật online “Niềm tin – chúng ta là người chiến thắng”. Chương trình gây xúc động và tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng. Trong đợt sáng tác thứ 2 vào Tháng 7 năm 2021, chỉ sau hơn 1 tuần có tới hơn 400 ca khúc về đề tài chống dịch của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên trên khắp cả nước đã gửi về. Những con số biết nói đó cho thấy, mặc dù dịch bệnh đã mang đến nhiều thương tổn, mất mát nhưng nó cũng đồng thời trở thành nguồn đề tài để nghệ sĩ nói lên những khát khao, ước mơ và chiêm nghiệm của mình về đời sống. Hàng loạt ca khúc, MV ca nhạc đến với công chúng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát là tiếng nói thiết tha sẻ chia, động viên tinh thần những y bác sĩ, những chiến sĩ công an, bộ đội, những tình nguyện viên đang ngày đêm vất vả trên tuyến đầu chống dịch. Với các bệnh nhân, âm nhạc như một liều thuốc xoa dịu tinh thần cho họ, giúp họ có thêm niềm tin, ý chí, nghị lực để chiến thắng dịch bệnh.
Nhìn chung thị trường âm nhạc đã đi qua một năm 2021 với nhiều khó khăn, tổn hại. Nhưng chúng ta đều biết rằng, đây là khó khăn chung của mọi ngành nghệ thuật không riêng gì âm nhạc. Năm 2022 được dự báo là tình hình sẽ sáng sủa hơn, khi mật độ phủ vắc-xin toàn cầu đã đạt đại đa số. Tuy nhiên, với những người làm âm nhạc thận trọng, biến chủng mới của vi-rút corona vẫn đang gieo rắc những lo ngại ở khắp các châu lục. Hoạt động biểu diễn trực tiếp vẫn còn rất nhiều dè chừng, và người nghe dường như vẫn còn chưa thể sẵn sàng đến với các sân khấu trực tiếp. Xu hướng nghe nhạc trực tuyến có lẽ vẫn là chủ đạo của thị trường âm nhạc trong năm mới, nhưng chắc chắn sẽ nở rộ sản phẩm hơn, do những lần giãn cách xã hội dài ngày như trong năm 2021 sẽ được nới lỏng, tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo nhiều hơn. Và những ý tưởng mới, lạ, độc đáo, những sản phẩm đầu tư kỹ lưỡng của nhiều nghệ sĩ được “ém” trong năm 2021 chờ cơ hội có thể sẽ được tung ra vào thời điểm phù hợp của 2022.
Cuộc sống dù thế nào vẫn phải tiếp tục. Âm nhạc cũng như một dòng chảy của đời sống, phản ánh tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người chắc chắn cũng phải tìm hướng thích nghi để luôn cất tiếng nói ngay cả trong những hoàn cảnh trì trệ nhất. Việt Nam hiện có hơn 34 triệu người sử dụng điện thoại thông minh và ước tính sẽ đạt 53 triệu người vào năm 2022, do đó, chắc chắn tốc độ tăng trưởng của thị trường âm nhạc trực tuyến sẽ có những bước nhảy vọt. Thói quen thưởng thức âm nhạc qua các nền tảng số phải trả tiền đang được hình thành trong công chúng, và người nghệ sĩ để bán được sản phẩm của mình, họ sẽ phải đầu tư kỹ càng hơn vào từng sản phẩm của mình.
Bình Nguyên Trang