Quan trọng hơn là hàng chục triệu người háo hức, chờ đợi chấm dứt đại dịch bằng những liều vắc xin. Tuy nhiên, khoảng 9 tháng sau khi các đợt triển khai tiêm vắc xin ở phương Tây, thực tế cho thấy một số chiến dịch tiêm chủng quốc gia và phần đông tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ và châu Âu đã bị chậm lại.
Chậm tiến độ tiêm vắc xin đi cùng với tốc độ tăng trưởng kém là điều khiến các chuyên gia đau đầu. Đặc biệt là khi nhiều biện pháp phòng ngừa Covid được nới lỏng và số ca bệnh gia tăng tại các khu vực. Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, cho biết trong một tuyên bố báo chí tuần trước: “Sự đình trệ trong việc tiếp nhận vắc xin là mối quan ngại nghiêm trọng. Giờ đây, các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng đang được nới lỏng ở nhiều quốc gia, việc công chúng đồng ý tiếp nhận là cấp thiết nếu muốn giảm tỷ lệ lây nhiễm, bệnh nặng hơn, số ca tỷ vong hay nguy cơ lớn hơn là các biến thể mới đáng lo ngại sẽ xuất hiện”. Ông cho biết, đã có 64 triệu trường hợp dương tính với Covid-19 và 1,3 triệu trường hợp tử vong trong khu vực, bao gồm 53 quốc gia từ Tây Âu đến Nga và các nước xung quanh.
Kluge nói thêm rằng, 33 quốc gia trong khu vực đã báo cáo tỷ lệ mắc ca 14 ngày tăng hơn 10%. Theo ông, tình trạng lây truyền này rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng thấp trong các nhóm dân số ưu tiên ở một số quốc gia: “Trong 6 tuần qua, sử dụng vắc xin trong khu vực bị chậm lại do ảnh hưởng nguồn cung và thiếu khả năng tiếp cận vắc xin ở một số nước cũng như người dân các nơi thiếu sự đồng thuận về vấn đề tiêm chủng. Tính đến ngày hôm nay, chỉ có 6% người dân ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn đã hoàn thành một đợt tiêm chủng”.
Bức tranh tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu
Các chương trình tiêm chủng bắt đầu vào cuối năm ngoái ở cả châu Âu và Hoa Kỳ với tốc độ khác nhau. Trong khi Anh và Mỹ nhanh chóng bắt đầu tiêm vắc xin cho người cao tuổi và nhân viên chăm sóc sức khỏe, động lực của EU chậm chạp hơn do đặt hàng muộn, hạn chế về nguồn cung và bất đồng về dữ liệu lâm sàng, cản trở tiến độ của một số đợt triển khai tại đây. Sau đó, mọi vấn đề cũng dần được giải quyết và hiện nay phần lớn người trưởng thành ở Hoa Kỳ và châu Âu đã được tiêm đầy đủ.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu chỉ ra cho đến nay có 68,2% người trưởng thành hoàn thành tiêm chủng mặc dù Ủy ban châu Âu đã thông báo vào thứ ba tuần trước rằng đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số đối tượng nói trên. Tại Vương quốc Anh, 79,8% người trên 16 tuổi được tiêm chủng đầy đủ và ở Hoa Kỳ, 62% dân số trên 12 tuổi hoàn thành tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Tiêm chủng cho hàng triệu người trong thời gian ngắn và chịu áp lực trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng là một thành tựu không thể phủ nhận, nhưng sẽ ra sao nếu các đợt tiêm chủng chậm và chững lại? Tháng 4, Hoa Kỳ đạt đỉnh cao tiến trình tiêm chủng với khoảng 3 triệu mũi mỗi ngày trong vài tuần và kỷ lục trong một ngày tiêm 4,6 triệu liều vắc xin vào ngày 10 tháng 4. Nhưng tính đến ngày 26 tháng 8, số liều vắc xin đã sử dụng trung bình trong bảy ngày được báo cáo cho CDC là 877.756. Tính đến ngày 2 tháng 9, số liều vắc xin được tiêm trung bình trong 7 ngày được báo cáo tăng lên 906.992. Như vậy, tỷ lệ giảm mạnh khiến Hoa Kỳ không thể đạt mục tiêu tiêm 70% theo đúng dự định. Jeffrey Zient, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng giải thích: “Đất nước còn nhiều việc phải làm... đặc biệt là với những người từ 18 đến 26 tuổi. Thực tế là nhiều người trẻ nước Mỹ cảm thấy Covid-19 không phải là thứ quá ảnh hưởng và mối quan tâm cũng theo đó giảm dần”.
Tương tự, ở châu Âu, tỷ lệ đối tượng thanh niên tiếp nhận vắc xin thấp hơn, chậm hơn do thái độ thoải mái hơn của người trẻ đối với Covid. Bởi họ có nguy cơ thấp hơn nhiều so với những người lớn tuổi mắc bệnh nền dễ nhập viện và tử vong. Bên cạnh đó, các quyết định mở cửa trở lại một phần vào mùa hè năm nay dường như đã loại bỏ động cơ tiêm chủng ở một số bộ phận người dân.
Quan sát kỹ có thể thấy sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng trên khắp Hoa Kỳ đã trở nên rõ rệt hơn. Các bang miền Nam có xu hướng tụt hậu so với các bang miền bắc. Một số bang đã được khuyến khích bằng cách đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt nhằm thu hút công dân. Tỷ lệ tiêm chủng chậm lại là điều đáng lo ngại vì sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan, cho phép các biến thể mới xuất hiện, làm suy yếu hiệu quả của các vắc xin Covid hiện có. Hoa Kỳ đã trải qua sự lây lan của biến thể Covid Delta có khả năng lây nhiễm cao vào mùa hè này. Biến chủng này đặc biệt độc hại ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chẳng hạn như Louisiana, Idaho và Mississippi, nơi mà quan chức y tế hàng đầu mô tả virus đang quét khắp bang “giống như một cơn sóng thần”.
Vẫn còn những người phản đối vắc xin
Các chuyên gia cho rằng, không có một lý do nào khiến việc tiêm chủng chậm lại, vì nguồn cung cấp vắc xin hiện không phải là vấn đề ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Trong khi những người trẻ cho rằng, không cần phải tiêm chủng cấp bách, nhiều công dân khác vẫn từ chối vắc xin do lo ngại về tính an toàn, bất chấp các cơ quan y tế và chuyên gia khẳng định vắc xin Covid-19 “hiệu quả đáng kinh ngạc”.
Tỷ lệ tiêm chủng hiện nay tại châu Âu không đồng đều. Khu vực Đông, Nam Âu, Nga và các nước láng giềng đều tụt hậu so với Tây Âu. Ngoài ra, Dữ liệu mới nhất dựa trên các cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 17/8 đến ngày 8/8 cho thấy Nga và Mỹ vẫn có tỷ lệ phản đối vắc xin cao nhất trong số tất cả các quốc gia được khảo sát. Khoảng 31% người Nga cho biết, họ không muốn tiêm vắc xin Covid (16% khác không chắc chắn về việc có nên tiêm hay không), 18% người Mỹ khẳng định không muốn tiêm vắc xin và 10% không chắc chắn.
Trong khi đó, hàng triệu người ở số đông quốc gia không được tiếp cận tiêm chủng đầy đủ hoặc được lựa chọn tiêm hay không tiê,. Theo Our World in Data, mặc dù 40,3% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, nhưng chỉ 1,8% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều.
TL (theo CNBC)