![]() |
Tỷ phú Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba. (Ảnh: Getty Images). |
Ngày 17/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với tỷ phú Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba, cùng nhiều lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Bắc Kinh. Những gương mặt nổi bật tham dự cuộc họp này gồm nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, CEO của BYD Vương Truyền Phúc, CEO của CATL Tăng Vũ Quân, CEO của Tencent Mã Hóa Đằng, CEO của Meituan Vương Hưng, CEO của Xiaomi Lôi Quân và CEO của DeepSeek Lương Văn Phong. Theo đánh giá của tờ CNN, động thái này cho thấy Trung Quốc có thể đang hướng đến việc xây dựng một môi trường kinh doanh cởi mở hơn sau giai đoạn siết chặt quy định đối với các tập đoàn công nghệ.
Theo tờ Tân Hoa Xã, tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định các doanh nhân Trung Quốc đang có tiềm năng lớn và triển vọng sáng sủa. Ông nhấn mạnh, những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt chỉ là tạm thời, đồng thời cam kết chính phủ sẽ loại bỏ các rào cản để đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Bây giờ là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát triển.” Phát biểu này được đưa ra tại Đại lễ đường Nhân dân – địa điểm mà ông Tập Cận Bình từng gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân vào năm 2018.
Sự kiện lần này được giới quan sát đặc biệt chú ý bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, tỷ phú Jack Ma – người từng là biểu tượng của kinh tế tư nhân Trung Quốc – tái xuất trước công chúng trong một cuộc gặp gỡ công khai với lãnh đạo cấp cao.
Tỷ phú Jack Ma và những thăng trầm dưới chính sách siết chặt công nghệ
Trong giới doanh nhân Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma từng là nhân vật trải nghiệm rõ nét nhất sự thăng trầm của khu vực kinh tế tư nhân. Xuất thân là giáo viên dạy tiếng Anh, ông đã sáng lập Alibaba từ một căn hộ nhỏ ở Hàng Châu năm 1999, vươn lên thành tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, đánh bại những đối thủ nước ngoài như eBay.
Năm 2014, Alibaba thực hiện đợt IPO lớn nhất thế giới thời điểm đó, giúp tỷ phú Jack Ma trở thành gương mặt tiêu biểu của giới doanh nhân Trung Quốc. Ông từng có nhiều lần gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó có sự kiện ở Mỹ cùng các lãnh đạo công nghệ toàn cầu như CEO Tim Cook (Apple) và CEO Mark Zuckerberg (Meta). Hai người cũng từng hội ngộ tại hội nghị internet Wuzhen do chính phủ Trung Quốc tổ chức.
Tuy nhiên, bài phát biểu tại Thượng Hải vào năm 2020 đã làm thay đổi tất cả. Sau khi ông Jack Ma công khai chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc, Ant Group bị chặn IPO vào phút chót, gây chấn động giới tài chính quốc tế. Đế chế Alibaba chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền, còn tỷ phú Jack Ma rút lui khỏi ánh đèn truyền thông trong suốt hơn 2 năm.
Động thái cứng rắn này cũng đã khởi đầu cho chiến dịch siết chặt quyền lực đối với các tập đoàn công nghệ tư nhân lớn như Alibaba, Tencent, Didi và Meituan. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Bắc Kinh chuyển hướng ưu tiên sang các vấn đề như an ninh quốc gia và tự chủ công nghệ, khiến hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ chịu tổn thất nặng nề.
Các doanh nghiệp công nghệ tư nhân đóng góp hơn 60% GDP Trung Quốc và tạo ra hơn 80% việc làm. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị siết chặt, khu vực này đã rơi vào trạng thái thận trọng, giảm mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Đến năm 2023, tỷ phú Jack Ma bắt đầu xuất hiện trở lại trong các chuyến thăm trụ sở Alibaba và đăng bài trên diễn đàn nội bộ của công ty. Cuộc gặp ngày 17/2 vừa qua với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể là bước ngoặt, đánh dấu sự trở lại của tỷ phú Jack Ma và mở ra cơ hội hồi sinh cho Alibaba.
![]() |
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay với Ren Zhengfei, Chủ tịch Huawei trong cuộc gặp các doanh nhân khu vực tư nhân tại Bắc Kinh ngày 17/02. |
Khôi phục niềm tin của khu vực tư nhân
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, chính quyền Bắc Kinh có dấu hiệu điều chỉnh chính sách theo hướng nới lỏng hơn với khu vực tư nhân. Các công ty cũng dần thích nghi, điều chỉnh chiến lược theo định hướng của chính phủ, đặc biệt là tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Alibaba là một trong những tập đoàn dẫn đầu xu hướng này. Mô hình AI Qwen của Alibaba đã đạt thành tích ấn tượng trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, thậm chí còn được Apple tích hợp vào các mẫu iPhone dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Điều này cho thấy vị thế công nghệ của Alibaba đã phần nào được khôi phục.
Giới quan sát nhận định, cuộc gặp gỡ giữa ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo công nghệ là thông điệp mang tính biểu tượng, thể hiện nỗ lực khôi phục niềm tin của khu vực tư nhân.
![]() |
Alibaba dần điều chỉnh chiến lược phát triển theo định hướng của chính phủ, đặc biệt là tập trung phát triển công nghệ AI. |
Ngay sau khi thông tin về cuộc họp được công bố, chỉ số Hang Seng China Enterprises – theo dõi các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc – đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, vào đúng ngày diễn ra cuộc họp, chỉ số này lại giảm nhẹ khoảng 1%, cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư vẫn còn.
Theo chuyên gia You Chuanman, sự thay đổi lần này của chính quyền Trung Quốc không mang tính đảo ngược hoàn toàn so với chính sách trước đây, mà là điều chỉnh để khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển.
“Trung Quốc đã chuyển từ chính sách siết chặt khu vực bất động sản và công nghệ tư nhân giai đoạn trước đại dịch Covid-19, sang phát đi tín hiệu tích cực hơn với doanh nghiệp tư nhân. Bắc Kinh đang dần thể hiện sự khoan dung và khuyến khích khu vực này phục hồi,” ông You Chuanman nhận xét. |
Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế vẫn giữ thái độ dè dặt, bởi họ kỳ vọng những hành động cụ thể hơn từ chính phủ thay vì chỉ là các tuyên bố mang tính trấn an.
Giới quan sát cũng không đặt kỳ vọng Bắc Kinh sẽ quay trở lại chính sách ủng hộ mạnh mẽ khu vực tư nhân như giai đoạn trước năm 2020, đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực từ cuộc cạnh tranh thương mại gay gắt với Mỹ.