Các địa phương Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu họp khẩn bao gồm: TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc. Đây là các đơn vị trước đó đã thống nhất đặt tên gọi xã gắn với số thứ tự.
![]() |
TP Thanh Hoá tổ chức phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp tại gia đình. |
Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, chiều ngày 27/4, 9 đơn vị cấp huyện này sẽ đồng loạt triển khai lấy ý kiến của nhân dân. Do thời gian rất gấp nên ngay trong tối và đêm nay, HĐND các xã, phường; HĐND huyện, thành, thị của 9 đơn vị này sẽ họp theo quy trình và thông qua.
Thực hiện sự chỉ đạo khẩn của Tỉnh ủy, ngay trong ngày hôm nay (27/4), đồng loạt các đơn vị hành chính cấp huyện đã họp bàn, thảo luận tên gọi đơn vị hành chính cấp xã mới khi thực hiện sáp nhập.
Tại huyện Hoằng Hóa, các đại biểu cơ bản thống nhất cao bỏ phương án đặt tên xã gắn với số thứ tự (Hoằng Hoá 1 đến Hoằng Hoá 8); chọn phương án đặt tên xã mới theo tên xã cũ, trong đó có 1 xã khu vực trung tâm lấy tên Hoằng Hoá.
![]() |
Huyện Hoằng Hóa tổ chức họp bàn để điều chỉnh tên gọi sau sáp nhập xã. Ảnh: Hoanghoa.thanhhoa.gov.vn |
Tên 8 xã theo phương án mới dự kiến là: Xã Hoằng Hoá (gồm thị trấn Bút Sơn, xã Hoằng Đức, Hoằng Đồng, Hoằng Đạo, Hoằng Hà, Hoằng Đạt); xã Hoằng Tiến (gồm xã Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường); xã Hoằng Thanh (gồm xã Hoằng Đông, Hoằng Thanh, Hoằng Ngọc, Hoằng Phụ).
Xã Hoằng Lộc (gồm xã Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Lộc, Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoằng Tân); xã Hoằng Châu (gồm xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Châu); xã Hoằng Sơn (gồm xã Hoằng Trinh, Hoằng Sơn, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát); xã Hoằng Phú (gồm xã Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Kim, Hoằng Trung); xã Hoằng Giang (gồm xã Hoằng Xuân, Hoằng Giang, Hoằng Quỳ, Hoằng Hợp).
Huyện Hoằng Hoá gấp rút tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn để tổng hợp báo cáo cấp trên.
![]() |
Huyện Vĩnh Lộc họp khẩn lấy ý kiến nhân dân và cử tri đặt lại tên xã |
Tại huyện Vĩnh Lộc, cuộc họp chiều ngày 27/4 đã xem xét, thống nhất việc điều chỉnh tên gọi các xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Kết quả đã có 22.530 đại diện cử tri đồng ý với phương án điều chỉnh tên gọi các xã mới sau sắp xếp, đạt tỷ lệ 93,18%. Theo đó, các xã mới là: Tây Đô, Vĩnh Lộc và Biện Thượng thay cho tên gọi cũ là Vĩnh Lộc 1, Vĩnh Lộc 2, Vĩnh Lộc 3.
Cụ thể, điều chỉnh tên gọi xã Vĩnh Lộc 1 thành xã Vĩnh Lộc (được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Vĩnh Lộc và các xã: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hoà, Ninh Khang); điều chỉnh tên gọi xã Vĩnh Lộc 2 thành xã Tây Đô (được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Long và Vĩnh Tiến); điều chỉnh tên gọi xã Vĩnh Lộc 3 thành xã Biện Thượng (được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã: Vĩnh Hùng, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An và Minh Tân).
Tại thị xã Nghi Sơn, cũng trong sáng nay (27/4), Ban Thường vụ Thị ủy cũng đã nhanh chóng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về tên gọi các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã Nghi Sơn.
Qua nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, cách mạng của từng xã, phường, UBND thị xã Nghi Sơn đã xây dựng phương án đặt tên các xã, phường không theo thứ tự gồm các phường: Ngọc Sơn, Tân Dân, Hải Lĩnh, Tĩnh Gia, Đào Duy Từ, Hải Bình, Trúc Lâm, Nghi Sơn, Các Sơn, Trường Lâm.
Được biết, ngoài 3 đơn vị trên, 6 đơn vị nằm trong diện phải điều chỉnh cách đặt tên gọi cấp xã sau sáp nhập cũng đã tiến hành họp khẩn để thay đổi lại cho phù hợp với ý kiến của nhân dân và cử tri.
Ngày mai (28/4), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ họp trước khi Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp, sau đó sẽ trình HĐND tỉnh để sửa đổi nghị quyết về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Theo đề án, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa dự kiến còn 166 xã, phường mới, gồm: 19 phường và 147 xã (71 xã đồng bằng, 76 xã miền núi).
Như vậy, sau khi 9 huyện, thành phố, thị xã còn lại bỏ đặt tên xã, phường mới có gắn số thứ tự đồng nghĩa với việc 26 đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn tỉnh Thanh Hóa sau sắp xếp dự kiến không còn tên xã, phường đánh số thứ tự.
Tên các xã, phường mới sau sáp nhập được đặt phải trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa, phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập…, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Việc tỉnh Thanh Hóa họp khẩn điều chỉnh lại cách đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân và cử tri đồng thời thể hiện rõ quyền làm chủ của người dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, của tỉnh và của chính địa phương. |