Thái Nguyên: Thu hút đầu tư chất lượng cao, giữ đà tăng trưởng Thái Nguyên: Tín dụng bứt phá, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên |
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, vốn tín dụng chính sách đã và đang đóng vai trò trụ cột, trở thành "cầu nối" hiệu quả đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân. Tại Thái Nguyên, đặc biệt là các xã thuộc khu vực phía Bắc của tỉnh, dòng vốn này không chỉ được triển khai đến tận xã, từng thôn, bản mà còn đi kèm với thủ tục gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận.
Những năm gần đây, mô hình "Tổ tiết kiệm và vay vốn" (TK&VV) đã chứng minh hiệu quả vượt trội. Bà Bàn Thị Thu, Tổ trưởng Tổ TK&VV xã Bạch Thông, tỉnh Thái Nguyên, một minh chứng điển hình cho sự tận tâm của những "cầu nối" này. Bà không chỉ hướng dẫn bà con vay vốn, thông báo lịch giao dịch, nhắc nhở trả lãi đúng hạn mà còn sát sao từng bộ hồ sơ, hiểu rõ hoàn cảnh của từng hộ. Những tổ trưởng như bà Thu đang âm thầm giúp vốn tín dụng chính sách đến đúng người, đúng nhu cầu, từ đó tạo sinh kế, nuôi hy vọng và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
![]() |
Thái Nguyên vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả mạnh mẽ. |
Theo ông Quản Thanh Tùng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bạch Thông, để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quý giá này, đơn vị duy trì đều đặn lịch giao dịch tại xã, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. "Tính đến hết tháng 6/2025, toàn khu vực có 170 tổ TK&VV, trong đó 144 tổ xếp loại tốt. Tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt gần 57%, tỷ lệ thu nợ thực tế hơn 97%. Những con số ấy không chỉ thể hiện hiệu quả nghiệp vụ mà còn cho thấy sự tin tưởng sâu sắc của người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước," ông Tùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng đang được phân bổ kịp thời và đúng đối tượng, hướng vào những lĩnh vực thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân. Tổng dư nợ của Phòng Giao dịch NHCSXH Bạch Thông đến hết tháng 6/2025 đạt gần 470 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm. Trong đó, vốn cho vay giải quyết việc làm, hộ cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn chiếm tỷ trọng lớn. Các chương trình cho vay nhà ở xã hội, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
Xã Bạch Thông, một xã vùng cao mới sáp nhập với địa bàn rộng hơn và dân cư đông hơn, đang xem tín dụng chính sách là trụ cột quan trọng trong chiến lược giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương. Ông Hà Ngọc Việt, Chủ tịch UBND xã Bạch Thông, cho biết: "Sau sáp nhập, nhu cầu vay vốn chính sách cũng tăng cao. Xã luôn phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để rà soát đối tượng, xác nhận hồ sơ vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giao dịch tại xã." Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và NHCSXH đã tạo nên một cơ chế vận hành hiệu quả. Chính quyền không chỉ hỗ trợ thủ tục mà còn tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ chính sách và sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Nhờ đó, các khoản vay ít bị rủi ro, tỷ lệ nợ quá hạn được kiểm soát ở mức thấp kỷ lục (chỉ 0,05%), thể hiện ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc sử dụng vốn vay.
Trong thời gian tới, NHCSXH Bạch Thông đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường đưa điểm giao dịch về tận xã, giúp giảm thời gian và chi phí cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng cao. Cùng với đó là đẩy mạnh rà soát nhu cầu vay vốn tại các xã sau sáp nhập, tăng cường kiểm tra chất lượng tín dụng, tổ chức đối chiếu, phân loại nợ sát thực tế. Mục tiêu cuối cùng là tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng một cách toàn diện và đưa vốn chính sách thực sự trở thành công cụ phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho người dân Thái Nguyên.